Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vận tải vất vả cầm cự trong đại dịch

11:07, 21/07/2021

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mọi ngành nghề đều bị tác động, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải bị ảnh hưởng vì hành khách hạn chế đi lại. Để có thể cầm cự, các DN tìm cách tạo việc làm cho người lao động bằng cách mở thêm các ngành nghề phụ

 

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mọi ngành nghề đều bị tác động, trong đó có nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải bị ảnh hưởng vì hành khách hạn chế đi lại, thực hiện quy định giãn cách xã hội để phòng dịch. Để có thể cầm cự, các DN tìm cách tạo việc làm cho người lao động bằng cách mở thêm các ngành nghề phụ, tuy nhiên cũng khó lòng duy trì lâu dài.

Hàng chục đầu xe của Công ty TNHH MTV Tường Gia Thịnh Phát ngừng hoạt động trong suốt thời gian qua. Ảnh: H.V.T
Hàng chục đầu xe của Công ty TNHH MTV Tường Gia Thịnh Phát ngừng hoạt động trong suốt thời gian qua. Ảnh: H.V.T

Trong bối cảnh này, các DN ngành dịch vụ vận tải rất mong nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành chức năng để có thể cầm cự qua đợt dịch.

* Tìm cách duy trì hoạt động

Là DN có tiếng ở Đồng Nai trong lĩnh vực vận chuyển khách bằng xe chất lượng cao các tuyến Biên Hòa đi Vũng Tàu, sân bay Tân Sơn Nhất, các tỉnh Tây nguyên và Phan Thiết…, tuy nhiên 1 năm nay các hoạt động của Công ty TNHH MTV Tường Gia Thịnh Phát (TP.Biên Hòa) đang diễn ra một cách cầm chừng.

Dịch vụ của DN này thiên về vận chuyển khách du lịch và đưa đón khách đi sân bay, khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu đi du lịch và sân bay của người dân giảm sút. Bên cạnh đó, những đợt giãn cách xã hội, hạn chế đi lại cũng khiến cho doanh thu của đơn vị sụt giảm nghiêm trọng. Hàng chục đầu xe của DN này phần lớn hoạt động cầm chừng, thậm chí không hoạt động, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 này diễn biến cực kỳ phức tạp kéo dài tới nay đã gần 3 tháng khiến cho DN vẫn chưa biết khi nào mới có thể hồi phục.

Ông Hà Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tường Gia Thịnh Phát cho hay, DN đã phải gồng mình cầm cự trong suốt hơn 1 năm qua. Để có doanh thu và việc làm cho người lao động, công ty đã mở rộng thêm các hoạt động khác như dịch vụ taxi tải, đa dạng hóa vận chuyển hỗ trợ nhu cầu của người dân như: vận chuyển hàng hóa, chuyển nhà, phòng trọ, văn phòng, kho xưởng để giảm sức ép cho DN. Ngoài ra, một dịch vụ mới mà DN này thực hiện trong thời gian qua là chăm sóc xe hơi, vệ sinh xe ngay tại nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, nguyên 1 tháng nay, dịch vụ này buộc phải dừng vì dịch bệnh lan rộng và thực hiện các quy định giãn cách xã hội.

Đối với HTX Dịch vụ vận tải Nhơn Trạch, hoạt động kinh doanh, doanh thu từ lĩnh vực vận tải khách, xe buýt của HTX và các xã viên cũng bị ảnh hưởng. Để phần nào giải quyết khó khăn và mở ra hướng đi bền vững hơn, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Nhơn Trạch Phan Huy Sự cho biết, HTX xác định phải dịch chuyển doanh số từ hợp đồng xe khách sang hợp đồng xe tải. Với những nỗ lực của mình, may mắn là HTX đã ký được 1 hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho DN lớn trong khu công nghiệp. Phải thay đổi để thích nghi, tồn tại là giải pháp bắt buộc của DN trong giai đoạn này.

Tương tự, một DN khác là nhà xe Hải Nam của Công ty TNHH MTV Trịnh Phong Giang (H.Cẩm Mỹ) đã mở thêm các dịch vụ như: sản xuất nước uống tinh khiết, vận chuyển, thu gom rác thải… để hoạt động, chờ thị trường hồi phục.

* Cần được tiếp sức

Trước những khó khăn của các loại hình vận tải vì chịu những đợt sóng gió liên tiếp của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GT-VT nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ DN.

Theo đó, Bộ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Đồng thời, cho DN giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31-12-2021 và không thu phí dừng, đậu, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến cuối năm nay… Ngoài ra, chu kỳ kiểm định đối với ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi có kinh doanh vận tải cũng sẽ được nới rộng thời gian.

Những giải pháp ấy rất quan trọng, song vấn đề trước mắt hiện nay là các DN đang phải gồng mình lo chi phí để hoạt động. Ngoài sụt giảm về doanh thu ở lĩnh vực chính, phải mở thêm dịch vụ để cầm cự, các DN còn nặng gánh các chi phí khác như: xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tài xế, phụ xe; giá xăng dầu tăng, chi phí thuê kho bãi... trong thời dịch khiến tình hình thêm khó khăn. Trong đó, cấp bách nhất là việc phải trả lãi ngân hàng, giải quyết các khoản nợ. Nhiều DN cho hay hoạt động cầm chừng nhưng vẫn phải gồng mình trả lãi và nợ gốc ngân hàng đến mức không còn nguồn nào để trang trải nữa.

Điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ vì các ngân hàng rất khó để có thể liên tục tái cơ cấu nợ cho khách hàng và các DN có thể sẽ phải bị liệt kê vào nhóm nợ xấu. Một khi thị trường ổn định trở lại, việc tái hoạt động của DN sẽ hết sức khó khăn, nhất là vấn đề tiếp cận chính sách tài chính của ngân hàng.

“Gần 2 năm qua, hoạt động vận tải khách chính của chúng tôi liên tục phải co hẹp hoạt động, các dịch vụ khác mở ra cũng chưa mang lại triển vọng vì các đợt dịch liên tiếp. Muốn bán xe cũng không được vì liên quan đến ngân hàng. Thời điểm hiện tại, DN nằm ngay trong vùng phong tỏa, từ lãnh đạo công ty đến nhân viên đều phải nghỉ việc không lương, kinh tế gia đình cực kỳ khó khăn. Điều DN mong muốn bây giờ là tiếp tục được ngân hàng xem xét giãn nợ và không chuyển nhóm nợ để có cơ hội hồi phục trở lại” - ông Hà Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tường Gia Thịnh Phát chia sẻ.

Văn Gia

 

 

Tin xem nhiều