
Theo chỉ tiêu quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Đồng Nai có hơn 12 ngàn ha đất khu công nghiệp (KCN). Song đến nay, đất KCN của tỉnh mới đạt 10,2 ngàn ha, thấp hơn 1.816ha so với chỉ tiêu được duyệt. Đây là một thách thức trong thu hút đầu tư do diện tích đất KCN cho thuê còn rất ít.
Theo chỉ tiêu quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Đồng Nai có hơn 12 ngàn ha đất khu công nghiệp (KCN). Song đến nay, đất KCN của tỉnh mới đạt 10,2 ngàn ha, thấp hơn 1.816ha so với chỉ tiêu được duyệt. Đây là một thách thức trong thu hút đầu tư do diện tích đất KCN cho thuê còn rất ít.
![]() |
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (H.Nhơn Trạch) còn rất ít diện tích đất công nghiệp cho thuê. Ảnh: H.GIANG |
Theo Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh có nhiều KCN đưa vào quy hoạch để mở rộng hoặc xây dựng mới nhưng đến nay chưa triển khai hoặc thực hiện chưa xong như: KCN Cẩm Mỹ (H.Cẩm Mỹ), KCN Gia Kiệm (H.Thống Nhất), KCN công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành), KCN Ông Kèo (H.Nhơn Trạch)...
* Đa số KCN đã lấp đầy diện tích
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 10.270ha, bao gồm 31 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng (KCN công nghệ cao Long Thành). Các KCN Đồng Nai đã cho thuê được gần 6 ngàn ha, đạt 84% diện tích đất cho thuê, còn lại khoảng 1,1 ngàn ha. Tuy nhiên, diện tích đất chưa cho thuê hầu hết còn vướng ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa thể thu hồi đất để làm hạ tầng. Hiện nay, chỉ còn một vài KCN ở Đồng Nai có đất cho thuê nhưng diện tích nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu cho những doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thuê 5-10ha.
Theo ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, Chính phủ Nhật Bản đang có chính sách hướng Nam là mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, Việt Nam sẽ là nơi được các DN Nhật Bản lựa chọn đầu tư nhiều vì chính trị ổn định; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt. Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn, do đó, tỉnh chuẩn bị sẵn đất đai trong các KCN để đón làn sóng đầu tư từ Nhật Bản. |
Theo Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường, phần lớn các KCN ở Đồng Nai đã lấp đầy diện tích, một số KCN còn có đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê, nhưng diện tích không nhiều. Do đó, tỉnh đang yêu cầu các công ty hạ tầng KCN phối hợp với địa phương đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và mở rộng các KCN theo quy hoạch.
Tại Đồng Nai còn có nhiều KCN hiện chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như: Hố Nai, Sông Mây (H.Trảng Bom), Ông Kèo (H.Nhơn Trạch), KCN Định Quán (H.Định Quán), Amata (TP.Biên Hòa), KCN Long Thành, KCN công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành)...
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Sonadezi Long Thành (công ty đầu tư hạ tầng KCN Long Thành) cho hay: “KCN Long Thành được thành lập từ năm 2003 nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Công ty đang phối hợp với địa phương thu hồi diện tích đất còn lại để hoàn thành việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cho DN thuê đất mở nhà máy sản xuất. Đất trong KCN cho thuê hơn 100 USD/m2”.
Công tác bồi thường, thu hồi đất cho các KCN kéo dài, vốn đầu tư sẽ bị đội lên rất lớn do giá đất của tỉnh hiện tăng khá cao. Vì vậy, dự án càng kéo dài, việc thu hồi đất càng khó khăn.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết: “Trên địa bàn H.Nhơn Trạch còn KCN Ông Kèo chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Diện tích đất còn lại khoảng 200ha, trong đó có hơn 200 hộ dân đang sinh sống. Huyện đã chuẩn bị khu tái định cư cho những hộ bị thu hồi đất làm dự án. Tới đây, huyện sẽ phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, song cái khó cho nhà đầu tư là giá đất bồi thường khá cao”.
* Cần sự phối hợp chặt chẽ
Ngoài các KCN đang thu hồi đất để mở rộng diện tích, trên địa bàn tỉnh còn 3 KCN chưa đi vào hoạt động là KCN công nghệ cao Long Thành đang bồi thường giải phóng mặt bằng; KCN Cẩm Mỹ và KCN Gia Kiệm đã có quy hoạch nhưng chưa được thành lập. Nếu 3 KCN trên hoàn thành, Đồng Nai có thêm hơn 1 ngàn ha đất công nghiệp cho thuê.
Trong cuộc họp gỡ khó cho các DN mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các công ty hạ tầng KCN hoàn tất các thủ tục hồ sơ để tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thành hạ tầng KCN có đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê. Tỉnh còn ít đất công nghiệp cho thuê sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư trong nước và phát triển công nghiệp. “Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai quy hoạch mới và mở rộng thêm một số KCN để đáp ứng nhu cầu thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất tại Đồng Nai của nhiều DN, tập đoàn nước ngoài. Dự kiến những năm tới, các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ở Đồng Nai sẽ nhiều hơn vì tỉnh có lợi thế về hạ tầng giao thông”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Trong giai đoạn 5-10 năm tới, Đồng Nai xác định ưu tiên hàng đầu cho phát triển công nghiệp, vấn đề nan giải nhất cần giải quyết để thực hiện được mục tiêu trên là phải có đất sạch để đầu tư hạ tầng các KCN. Không thực hiện nhanh, Đồng Nai sẽ bỏ lỡ các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Hương Giang