Trên thị trường hiện có nhiều loại hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên như: dầu gội đầu thảo mộc, nước lau sàn lên men từ rau củ, xà bông tắm chiết xuất từ lá cây dược liệu.
Trên thị trường hiện có nhiều loại hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên như: dầu gội đầu thảo mộc, nước lau sàn lên men từ rau củ, xà bông tắm chiết xuất từ lá cây dược liệu.
Chị Nguyễn Thị Lê (P.Trung Dũng) giới thiệu các sản phẩm hóa mỹ phẩm nguồn gốc thiên nhiên sản xuất trong nước. Ảnh: H.Lộc |
Những sản phẩm này được cho là thân thiện với môi trường, an toàn với người dùng, nhưng do có sự chênh lệch về giá bán so với hàng thông thường (sản xuất công nghiệp), sản phẩm chưa được nhiều người dùng lựa chọn.
* Chưa thật sự phổ biến
Sau nhiều năm trung thành với các thương hiệu hóa mỹ phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, chị Nguyễn Thị Lê (P.Trung Dũng) chuyển sang sử dụng các loại hóa mỹ phẩm nguồn gốc thiên nhiên sản xuất trong nước. Đó là cục xà bông tắm làm từ lá tía tô; nước tẩy rửa chiết xuất từ quả bồ hòn; mặt nạ đắp mặt làm từ bùn khoáng và một số loại củ, lá… Sau thời gian sử dụng cảm thấy ưng ý, chị Lê quyết định kinh doanh các mặt hàng này thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook và cửa hàng trên đường Nguyễn Ái Quốc.
Chị Lê cho biết: “Tôi chọn các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên của một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp để kinh doanh vì chúng đã được chứng nhận mức độ an toàn, được thị trường nước ngoài tiếp nhận”. Theo đánh giá của chị Lê, mặc dù chị đã chủ động tiếp cận nhiều kênh phân phối khác nhau, nhiệt tình tư vấn cho khách hàng, nhưng chỉ một bộ phận người tiêu dùng có tiền, quan tâm đến sức khỏe mới chấp nhận bỏ tiền ra mua về dùng.
Với mong muốn đưa các sản phẩm thiên nhiên đến với đông đảo người tiêu dùng và ủng hộ tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp mới, năm 2020 anh Nguyên (P.Tân Hiệp) trở thành nhà phân phối nước rửa chén, nước lau nhà, nước giặt đồ… cho Công ty CP The Moshav Farm (tỉnh Khánh Hòa) tại TP.Biên Hòa. Anh Nguyên cho rằng, các sản phẩm này an toàn cho sức khỏe, không gây hại cho môi trường, nhưng chưa phổ biến đến đông đảo người dùng vì còn mới, giá bán khá cao, thời hạn sử dụng chỉ từ 6 tháng đến 1 năm.
“Tôi đã trực tiếp đến vùng trồng nguyên liệu, nhà máy xuất sản và sử dụng sản phẩm. Cá nhân tôi đánh giá rất tốt, nhiều khách hàng sử dụng cũng rất ưng ý. Số người quan tâm và chọn mua sản phẩm này ngày càng tăng, nhưng số người tiếp tục mua lần sau chỉ khoảng 20-30%. Lý do giá bán khá cao, hơn 100 ngàn/chai nước rửa chén 500ml. Ngoài ra, mức chiết khấu khá thấp, chưa đủ hấp dẫn các nhà phân phối” - anh Nguyên cho hay.
Đồng tình với chí sẻ của anh Nguyên, chị Phạm Thị Luyến, cộng tác viên bán hàng online cho hãng mỹ phẩm thiên nhiên Karose cho rằng, các sản phẩm làm đẹp nguồn gốc thiên nhiên do doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa phổ biến vì mức chiết khấu cho người bán thấp, lời lãi rất ít, trong khi các sản phẩm khác lời lãi rất cao. Các dòng mỹ phẩm thiên nhiên chưa nhiều, chưa thực sự sôi động như dòng sản phẩm thông thường. Mỹ phẩm thiên nhiên không sử dụng hóa chất nên tác dụng của nó cần đến yếu tố thời gian, trong khi tâm lý của người đi mua sản phẩm làm đẹp lại muốn “một phát ăn ngay”.
“Tôi thấy các bạn trẻ, giới tri thức ngày càng có ý thức hơn về môi trường, về lối sống xanh, tiêu dùng xanh. Trong tương lai, chắc chắn các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường sẽ phát triển và chiếm ưu thế” - chị Luyến tâm sự.
* Nhà sản xuất còn gặp nhiều trở ngại
Theo nhận định của các nhà sản xuất, đơn vị phân phối, hóa mỹ phẩm thiên nhiên ngày càng được người tiêu dùng quan tâm và chọn mua. Tuy nhiên, việc phát triển còn nhiều trở ngại vì sản phẩm thông thường giá rẻ đã khá thịnh hành ở mọi kênh phân phối, trong khi sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên còn mới, chủ yếu bán online. Chi phí nguyên liệu, công nghệ để sản xuất sản phẩm thiên nhiên cao hơn nhiều so với hàng thông thường. Sản phẩm chưa truyền thông được như các thương hiệu lớn.
Bà Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH Calm (TP.Biên Hòa) cho biết, để sản xuất dầu gội thảo dược, xà bông tắm thiên nhiên doanh nghiệp đã hợp tác với nông dân ở nhiều nơi phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ. Nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần mới ra công thức chế tạo sản phẩm, sau đó đăng ký sản phẩm, hợp tác gia công. Doanh nghiệp cũng phải đi tiếp cận thị trường. Quá trình này mất nhiều thời gian và chi phí nhưng doanh nghiệp vẫn kiên trì vì “xu hướng sử dụng sản phẩm thiên nhiên đang được lan rộng bởi nhiều người đã thấy được tác hại của hóa chất, phần vì không thể phủ nhận những công dụng thật sự hiệu quả của những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên”.
Tuy nhiên, bà Kim Anh cũng thừa nhận đang gặp khó khăn do chi phí cho nguyên liệu và gia công cao; thời hạn sử dụng ngắn, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, lưu kho và vận chuyển. Thêm vào đó, các sản phẩm tương tự rất nhiều, quảng cáo thổi phồng khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn, nhiễu thông tin. Bà Kim Anh cho rằng, khi người tiêu dùng gia tăng, quy mô sản xuất tăng thì giá thành các sản phẩm này sẽ giảm và cạnh tranh được với hàng thông thường.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung, chủ Cơ sở Sản xuất enzyme bồ hòn Mẹ Bắp (P.Tân Hiệp) cho biết, trung bình mỗi tháng chị ủ 500-600 lít enzyme bán cho các đại lý và người dùng lẻ. Nhưng để phát triển thành mặt hàng và thành lập doanh nghiệp thì chị chưa làm được. “Mình cũng có mong muốn đưa sản phẩm thiên nhiên đến đông đảo người dùng thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên việc này không dễ bởi mình khá bận rộn, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp phức tạp. Hơn nữa, mình cũng chưa chủ động được nguồn nguyên liệu để “làm lớn”, mà mua lại thì giá quá cao”.
Hoàng Lộc