Là dự án cấp bách xử lý đồi sạt lở nhưng phải 2 năm sau khi cấp phép, chủ đầu tư mới khởi công. Trong quá trình thực hiện, nhà thầu chưa tuân thủ các bước như thiết kế đã duyệt gây sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến giao thông quốc lộ 20 và hơn 60 hộ dân sống xung quanh.
Là dự án cấp bách xử lý đồi sạt lở nhưng phải 2 năm sau khi cấp phép, chủ đầu tư mới khởi công. Trong quá trình thực hiện, nhà thầu chưa tuân thủ các bước như thiết kế đã duyệt gây sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến giao thông quốc lộ 20 và hơn 60 hộ dân sống xung quanh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phí kiểm tra dự án Cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn (H.Tân Phú). Ảnh: Hoàng Lộc |
Vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã có chuyến kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan đến dự án Cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn (H.Tân Phú). Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu khắc phục những tồn tại đã được nêu ra, đẩy nhanh tiến độ dự án; đồng thời tính toán giai đoạn 2, mở rộng phạm vi ra khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
* 3 năm, chỉ thực hiện được 5% khối lượng
Dự án Cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn (H.Tân Phú) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức xã hội hóa vào năm 2018, dự kiến thực hiện trong 3 năm (2018-2020).
Dự án có tổng chiều dài khoảng 1km, khối lượng đất phải xử lý gần 200 ngàn m3, được chia làm 3 giai đoạn. Năm 2019, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh gia hạn đến năm 2021. Quyết định điều chỉnh yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Minh Minh Đạt phải lập giải pháp công trình, đảm bảo an toàn và tiến độ; tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng và thủy lợi.
Cuối tháng 7-2020, chủ đầu tư khởi công dự án. Tính đến ngày 1-6-2021, chủ đầu tư chỉ mới xử lý được khoảng 10 ngàn m3 đất, tương đương 5% tổng khối lượng. Điều đáng nói là khối lượng đất bóc tách này nằm ở giai đoạn 3 của dự án, trong khi giai đoạn 1 và 2 thuộc diện cấp bách cần xử lý lại chưa được thực hiện. Quá trình thực hiện giai đoạn 3, chủ đầu tư chưa tuân thủ các bước theo yêu cầu, việc thiết kế gây sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến giao thông quốc lộ 20 và các hộ dân sống xung quanh.
Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, quá trình triển khai dự án, Sở đã phối hợp với các sở, ngành và H.Tân Phú đi kiểm tra 5 lần. Mỗi lần kiểm tra đều nêu ra những tồn tại và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục.
Ở lần kiểm tra gần nhất vào ngày 24-5-2021, chủ đầu tư và địa phương chưa hoàn thành các nội dung theo yêu cầu, đặc biệt là khu vực vách đứng có nguy cơ sạt lở cao (chiều dài khoảng 50m, dọc quốc lộ 20, thuộc giai đoạn 3) chưa được hạ thấp độ cao, bạt mái. Ngoài ra, chủ đầu tư chưa bố trí được bãi tạm chứa đất; chưa thuê đơn vị tư vấn giám sát độc lập, đơn vị thiết kế chưa tham gia giám sát. “Với tiến độ này, chủ đầu tư sẽ không hoàn thành nội dung xử lý cấp bách khu vực vách đồi dốc đứng theo yêu cầu trước ngày 30-6-2021, không hoàn thành dự án trong năm 2021” - ông Trần Đình Minh nêu.
Đại diện chủ đầu tư, bà Phạm Thị Bích Lộc, Phó giám đốc Công ty TNHH Minh Minh Đạt cho rằng, do khu vực thuộc giai đoạn 1 và 2 chưa giải phóng mặt bằng được trong khi áp lực tiến độ nên đơn vị phải làm giai đoạn 3 trước. Do mặt bằng thi công hẹp, đồi dốc đứng, vị trí thi công sát quốc lộ 20 nên đã xảy ra sạt lở, nước và bùn đất tràn ra quốc lộ 20 khi mưa lớn. Từ tháng 4 đến nay, công ty tập trung khắc phục phần mái đứng để giảm nguy cơ sạt lở trong mùa mưa này.
* Mở rộng ra khu vực có nguy cơ sạt lở
Chia sẻ tại buổi làm việc ngày 16-6 với lãnh đạo tỉnh, Bí thư Huyện ủy H.Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho biết, ngoài khu vực đã khoanh vùng, khu vực đồi tại ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn còn một vách đứng bên hông chùa rất nguy hiểm, cần phải được xử lý. Để đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng và tài sản của người dân, dự án này cần phải triển khai đồng bộ, mở rộng ra khu vực đang có nguy cơ. Ông Thành thừa nhận, huyện có trách nhiệm khi chủ đầu tư không thực hiện các bước theo thiết kế, chậm khắc phục các yêu cầu của huyện và tỉnh.
“Dự án cấp bách nhưng khởi công chậm. Khu vực cần được làm trước lại không làm được. Tôi đề nghị chủ đầu tư cộng đồng trách nhiệm với địa phương, khắc phục tồn tại. Huyện sẽ hỗ trợ tuyên truyền để người dân đồng thuận giao mặt bằng thi công” - Bí thư Huyện ủy H.Tân Phú nói.
Theo chủ đầu tư, công ty đang ưu tiên hạ độ cao giai đoạn 3 và vận chuyển đất ra khỏi khu vực thi công để hạn chế sạt lở đất khi có mưa. Công ty hỗ trợ mỗi hộ dân 5 triệu đồng/tháng (từ tháng 5 đến tháng 10-2021) cho 4 hộ dân ở sát khu vực thi di dời lánh nạn. “Công ty sẽ tính toán phương án hỗ trợ kinh phí để các hộ dân di dời đi nơi khác trong quá trình thi công, khi hoàn thành dự án sẽ trả lại mặt bằng hoặc công ty mua lại đất của người dân. Chúng tôi đã thuê 3 đơn vị giám sát nhưng họ đều thanh lý hợp đồng và bỏ ngang. Hiện dự án chưa có đơn vị giám sát độc lập” - bà Phạm Thị Bích Lộc cho hay.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, H.Tân Phú có nhiều khu vực đang và có nguy cơ sạt lở. Trong đó, dự án sạt lở đất đồi thuộc ấp Phú Lâm 3 phải ưu tiên trước vì ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Bắc, tính mạng và tài sản của hơn 60 hộ gia đình. Chủ đầu tư phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại theo kết luận của huyện, Sở NN-PTNT. Phải sớm làm rãnh ngăn đất, đá, nước tràn ra đường; bãi tạm chứa đất, hệ thống tích và lắng lọc nước trước khi chảy ra cống ngang ven đường. Khi xử lý xong phần mái thuộc giai đoạn 3, chuyển sang thi công giai đoạn 1 và 2. Trường hợp công ty chưa thuê được đơn vị giám sát độc lập, Sở NN-PTNT hỗ trợ giám sát.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng yêu cầu UBND H.Tân Phú và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh rà soát lại toàn bộ khu vực có nguy cơ sạt lở đề xuất giai đoạn 2. Giai đoạn 2 của dự án này và các dự án xử lý sạt lở đất đồi khác phải kết phòng chống sạt lở với khai thác vật liệu (đất) phục vụ các công trình xây dựng.
Hoàng Lộc