Báo Đồng Nai điện tử
En

Điện sắp về 2 ấp vùng xa của xã Mã Đà

11:06, 30/06/2021

Cách Nhà máy Thủy điện Trị An chưa đầy 3km nhưng những năm qua, 720 hộ dân ở 2 ấp 3, 4 của xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) không có điện. Đầu tháng 4-2021, Điện lực Đồng Nai đã phối hợp với địa phương khởi công công trình đưa điện vào các ấp nằm sâu trong rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Cách Nhà máy Thủy điện Trị An chưa đầy 3km nhưng những năm qua, 720 hộ dân ở 2 ấp 3, 4 của xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) không có điện. Đầu tháng 4-2021, Điện lực Đồng Nai đã phối hợp với địa phương khởi công công trình đưa điện vào các ấp nằm sâu trong rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Công trình hiện đã thực hiện xong đường dây trung thế, người dân đang phấn khởi chờ ngày đóng điện.

Kéo đường dây điện trung thế qua lòng hồ Trị An
Kéo đường dây điện trung thế qua lòng hồ Trị An

Việc hoàn thành công trình này không chỉ giúp hơn 700 hộ dân có điện sử dụng mà còn giúp tỉnh xóa các ấp “trắng điện”.

* Hơn 40 năm không có điện

2 ấp 3, 4 của xã Mã Đà nằm sâu trong rừng tự nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, dân cư thưa thớt. Sau năm 1975, một số hộ gia đình đi xây dựng kinh tế mới, các gia đình làm bảo vệ rừng cho Lâm trường Mã Đà và cả những hộ dân thuộc diện phải di dời để xây dựng Nhà máy Thủy Điện Trị An đã chọn vùng đất này định cư.

Hiện 2 ấp này có 720 hộ gia đình, với khoảng 3,8 ngàn nhân khẩu. Đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn do sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, hạ tầng thiếu thốn. Ông Trần Văn Trung (ngụ ấp 3, xã Mã Đà) cho biết, lúc trước gia đình ông thắp đèn dầu. Mùa khô đi làm mướn, đến mùa mưa mới trồng được ít bắp, mì làm thức ăn cho gà, heo. Sau này, kinh tế khá hơn, ông mua máy dầu cải tạo vườn rẫy trồng xoài. Nhờ có máy dầu để trồng cây ăn trái, gia đình ông mua thêm được nhiều thiết bị điện như: nồi cơm, máy bơm nước, bình ắc quy để thắp sáng vào ban đêm. Mặc dù được xem là có thiết bị điện để sản xuất và sinh hoạt nhưng chi phí cho máy dầu rất lớn, gia đình không dám sử dụng thường xuyên.

Ông Nguyễn Văn Ngoan (ấp 3, xã Mã Đà) tâm sự, mặc dù những người lớn tuổi như ông đã quen với việc thiếu điện nhưng mỗi lần đi qua các ấp khác trong xã, nhìn thấy nhà nhà thắp sáng ánh điện thì không khỏi chạnh lòng. Thương nhất là các cô giáo ở điểm trường Mã Đà và những đứa trẻ. Có hôm, cô, trò không thể dạy và học vì trời mưa, trong lớp quá tối. Niềm mong mỏi của ông Ngoan là một ngày nào đó, dòng điện quốc gia sẽ đến, giúp cho cô, trò và hàng ngàn người dân ở đây thay đổi cuộc sống.

Thi công công trình đường dây trung thế về ấp 3, ấp 4 xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu
Thi công công trình đường dây trung thế về ấp 3, ấp 4 xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu

Theo Chủ tịch UBND xã Mã Đà Đinh Quốc Sơn, mặc dù ở sát Nhà máy Thủy điện Trị An nhưng bao năm qua người dân 2 ấp 3 và 4 không có điện. Nguyên nhân theo ông Sơn là trước những năm 2010, tỉnh có chủ trương di dời các hộ dân ở vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ra ngoài nên không đầu tư hạ tầng đường giao thông, điện lưới, trường học… Sau này, huyện đề xuất và được tỉnh chấp thuận ổn định dân cư tại chỗ đối với các ấp thuộc xã Mã Đà nên mới có chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng. Ngay sau khi tỉnh có quyết định ổn định dân cư, xã đã kiến nghị huyện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như: điện, đường, trường, trạm, nhưng khó khăn là vùng này nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Việc triển khai các công trình xây dựng có tác động đến cây xanh, hệ sinh thái là không dễ.

* Phấn khởi chờ ngày đóng điện

Những ngày cuối tháng 6, cán bộ, công nhân thuộc Điện lực Trị An đang gấp rút hoàn thành các công đoạn để sớm đưa điện lưới quốc gia về cho bà con vùng xa của H.Vĩnh Cửu.

Ông Hoàng Công Hoan, Phó giám đốc Điện lực Trị An cho biết, đây là công trình điện khí hóa nông thôn được tỉnh, huyện, đặc biệt là người dân rất mong chờ. Do đó, đơn vị đã huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện băng rừng, vượt hồ đưa vật liệu, thiết bị vào thi công. Hiện tại, đường dây trung thế 18km và 15 trạm biến áp đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ đường dây hạ thế xong là đóng điện.

Chủ tịch UBND xã Mã Đà cho hay, biết tin ngành Điện đầu tư công trình lưới điện quốc gia người dân rất phấn khởi. Họ tự giác chặt cây, hiến đất phục vụ cho việc thi công, trồng trụ. Hiện 100% hộ dân đã đóng tiền hạ tầng, trung bình 4 triệu đồng/hộ. Ai cũng phấn khởi chờ ngày đóng điện.

Còn ông Nguyễn Công Hoan, người dân ấp 3 chia sẻ, thật khó diễn tả nỗi niềm chờ mong xen lẫn hạnh phúc khi ngày đóng điện lưới quốc gia đã kề cận. “Gia đình chúng tôi đã thống nhất bán 1 con bò, mua 1 cái tivi to để xem thời sự, mua nồi cơm điện để không phải nấu bếp củi. Nhưng ưu tiên số 1 là mua máy bơm nước để tưới vườn, phát triển kinh tế” - ông Ngoan nói.

Nhiều người dân 2 ấp 3 và 4 đã mua sẵn các thiết bị điện về chờ ngày sử dụng. “Tôi hồi hộp lắm. Đã mua nồi cơm, quạt, bóng đèn về để sẵn trong nhà. Ít ngày nữa, tôi gọi thợ về làm đường dây, đóng ổ điện trong nhà. Chuyến này nhà tôi thực sự có điện rồi” - một người dân chia sẻ.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thuộc cho rằng, đây là công trình lịch sử với cả ngành Điện lẫn người dân vùng Mã Đà. Bởi nếu đầu tư kinh doanh, công trình này không hiệu quả và phải thời gian dài mới hoàn vốn. Còn với hơn 720 hộ dân, đây là ước nguyện mấy chục năm qua. Ông Thuộc hy vọng sau khi có điện, người dân sẽ học hỏi thêm để chuyển đổi giống cây trồng, cơ giới hóa sản xuất phát triển kinh tế. Địa phương sẽ tiếp tục quan tâm và xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để người dân vùng sâu, vùng xa của huyện cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công trình đường dây lưới điện trung, hạ thế về ấp 3 và 4, xã Mã Đà có tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Trong đó, đường dây trung thế và trạm biến áp 3 pha có tổng vốn đầu tư hơn 12,7 tỷ đồng do Điện lực Đồng Nai thực hiện. Đường dây hạ thế có tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 20%, do địa phương thực hiện. Hiện công trình đã hoàn thành phần đường dây trung thế và trạm biến áp, đang thi công đường dây hạ thế và lắp đặt đồng hồ điện. Khi đưa vào sử dụng, công trình sẽ cung ứng điện sản xuất cho hơn 800ha cây trồng và sinh hoạt của 720 hộ dân.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều