2 tuyến đường vanh đai 3, 4 có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành mạng lưới giao thông kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, gần 10 năm sau khi có các quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, 2 tuyến đường này vẫn đang dở dang, chưa được khép kín.
2 tuyến đường vanh đai 3, 4 có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành mạng lưới giao thông kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, gần 10 năm sau khi có các quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, 2 tuyến đường này vẫn đang dở dang, chưa được khép kín.
Đường vành đai 3 hiện mới chỉ có đoạn Tân Vạn - Mỹ Phước dài 16,3km được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: P.Tùng |
Do đó, Chính phủ đã có chủ trương để các địa phương thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.
* Nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ
Đường vành đai 3 và 4 là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc khu vực nội đô TP.HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
2 tuyến đường vành đai 3, 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28-9-2011 (Quyết định số 1697/QĐ-Ttg và Quyết định số 1698/QĐ-Ttg). Theo quy hoạch, UBND các địa phương có các tuyến đường đi qua có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất dọc 2 bên đường để tạo vốn. Tuy nhiên, gần 10 năm sau ngày được phê duyệt quy hoạch, việc thực hiện đầu tư xây dựng 2 tuyến đường này được thực hiện rất chậm. Cụ thể, đường vành đai 3 hiện chỉ mới hoàn thành được 16,3km trên tổng số 89km chiều dài toàn tuyến. Trong khi đó, đường vành đai 4 cũng mới chỉ hoàn thành 11km trên tổng số hơn 197km toàn tuyến.
Đối với địa bàn Đồng Nai, đường vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài khoảng 11,3km, gồm 2 dự án thành phần 1A và 2A. Trong khi đó, đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 47km, bắt đầu từ cầu Thủ Biên giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương đến giáp ranh tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư 2 dự án Đường vành đai 3 và 4, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM vào ngày 13-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giao các địa phương có các tuyến đường đi qua là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần theo phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Các địa phương có trách nhiệm cân đối toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng. Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một phần chi phí vốn tham gia của nhà nước cho công tác xây lắp theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GT-VT) cho hay, Bộ GT-VT đã làm việc với các địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chủ trương mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng 2 tuyến đường vành đai. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các nhiệm vụ của các địa phương vần còn rất chậm. “Các nút thắt trong triển khai thực hiện các dự án vẫn chưa được tháo gỡ” - ông Nguyễn Việt Cường cho hay.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Việt Cường, nhiệm vụ đơn giản nhất là bàn giao hồ sơ dự án để các địa phương triển khai ngay việc nghiên cứu, phê duyệt các dự án cũng chưa thể hoàn thành. “Đối với dự án Đường vành đai 3, hiện nay mới chỉ bàn giao được hồ sơ cho Sở GT-VT TP.HCM. Trong khi đó, Sở GT-VT các địa phương khác gồm: Đồng Nai, Bình Dương và Long An không nhận hồ sơ với lý do chưa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ” - ông Nguyễn Việt Cường cho biết.
Các nhiệm vụ khác như phân công cơ quan chủ trì làm đầu mối để triển khai dự án; nghiên cứu, góp ý bằng văn bản về cơ chế, chính sách thực hiện các thủ tục; phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GT-VT) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GT-VT (Tedi) để thống nhất điểm đầu, điểm cuối phạm vi các dự án thành phần làm cơ sở giao cho các địa phương là cơ quan có thẩm quyền cũng đang được triển khai thực hiện rất chậm.
* Kiến nghị cơ chế đầu tư 2 tuyến đường
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GT-VT với các địa phương về thực hiện dự án đường Vành đai 3, 4 vào ngày 15-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Đường vành đai 3 và 4, tỉnh Đồng Nai cũng đã giao Sở GT-VT chủ trì để phối hợp với các đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao.
Theo đó, UBND tỉnh đã xem xét thành lập, lựa chọn bộ phận quản lý dự án PPP để thực hiện các dự án. “Tỉnh đang cân nhắc thành lập một đơn vị trực thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh hoặc thành lập một bộ phận trực thuộc UBND tỉnh để làm cơ quan đầu mối quản lý dự án. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về tinh gọn bộ máy thì việc thành lập mới một đơn vị rất khó khăn. Do đó, tỉnh đang cân nhắc để xem xét phương án đơn vị đầu mối này sẽ trực thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh hay trực thuộc Sở GT-VT” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết.
Hiện Đồng Nai đã chỉ đạo Sở GT-VT làm việc với các địa phương để rà soát quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ chế, phương án thu hồi đất nhằm khai thác quỹ đất 2 bên các tuyến đường. Một số địa phương cũng đã đề xuất phương án khai thác quỹ đất tạo vốn.
Về cơ chế chính sách triển khai các dự án, Đồng Nai cũng thống nhất chủ trương giao cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, tách riêng hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án để thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi khi triển khai các dự án, về nguồn vốn, Đồng Nai đề nghị Bộ GT-VT có kiến nghị đến Quốc hội xem xét điều chỉnh Khoản 2, Điều 69 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư theo hướng nâng tỷ lệ góp vốn của nhà nước lên 50% và hỗ trợ địa phương 50% trong việc đầu tư dự án không tính chi phí giải phóng mặt bằng. “Ngoài ra, do chi phí giải phóng mặt bằng của các dự án rất lớn nên Đồng Nai kiến nghị Chính phủ cho địa phương vay nguồn vốn của trung ương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của các dự án cũng như các khu đất tạo vốn” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Đồng Nai cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép các địa phương áp dụng hình thức chỉ định thầu, giao thầu trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp và chấp thuận giao cho HĐND tỉnh xem xét việc chuyển đổi mục đích diện tích đất trồng lúa từ 10ha trở lên trong khu vực dự án đường vành đai 3, 4 để đẩy nhanh tiến độ.
Phạm Tùng