Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tốt của khu vực miền Nam. Tuy nhiên, đến nay lĩnh vực du lịch vẫn chưa có sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn này.
Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tốt của khu vực miền Nam. Tuy nhiên, đến nay lĩnh vực du lịch vẫn chưa có sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn này. Đây là một trong những mục tiêu mà tỉnh đề ra trong quá trình thực hiện chương trình OCOP giai đoạn mới.
Du khách tham quan vườn trái cây tại xã Bình Lộc, địa phương đăng ký sản phẩm du lịch OCOP đầu tiên của tỉnh. Ảnh: N.Liên |
Để đạt được mục tiêu trên, một số địa phương đã đăng ký xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng theo hướng chuẩn OCOP. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến nay các địa phương có du lịch phát triển vẫn còn nhiều băn khoăn về các tiêu chí OCOP cũng như việc tạo ra những "câu chuyện" riêng cho sản phẩm của mình.
* Tiềm năng nhiều, khai thác chưa trọng điểm
Gần đây, một số địa phương trong tỉnh đang hướng đến phát triển du lịch dựa trên những lợi thế, tiềm năng tại chỗ về cảnh quan thiên nhiên hoặc những vùng có đặc sản địa phương để thu hút du khách như các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Tân Phú, TP.Long Khánh…
Trong số đó, xã Bình Lộc là địa phương có đặc sản trái chôm chôm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, những năm gần đây xã Bình Lộc (TP.Long Khánh) còn được khách du lịch khắp nơi tìm đến vào mùa trái cây chín rộ để khám phá và thưởng thức đặc sản tại vườn. Do đó, mô hình du lịch sinh thái vườn những năm qua tại TP.Long Khánh đã trở thành thương hiệu khá nổi tiếng vào mùa trái cây. Để tạo giá trị bền vững cho nhà nông làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, ông Đặng Trung Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lộc cho biết, xã đang hỗ trợ Tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc đăng ký mô hình du lịch cộng đồng theo hướng đạt chuẩn OCOP. Ông Mạnh cho biết, hằng năm, để kích cầu du lịch địa phương, TP.Long Khánh thường tổ chức lễ hội trái cây thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan. Thông qua các hoạt động này, du lịch vườn tại Long Khánh đang được rất nhiều bạn trẻ tìm đến. Bên cạnh đó, nhờ làm du lịch mà thu nhập từ vườn trái cây của người nông dân cao hơn so với việc bán nông sản qua tay các thương lái.
Tại H.Long Thành, nông nghiệp tuy không còn là thế mạnh của địa phương nhưng huyện vẫn còn những vùng trái cây nổi tiếng như: dâu An Phước, Tam An; sầu riêng Lộc An, Bình Sơn… Ông Phạm Ngọc Vinh, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, H.Long Thành đang hướng tới xây dựng mô hình du lịch đạt chuẩn OCOP tại vùng trái cây sầu riêng khu vực các xã Lộc An, Bình Sơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vùng trái cây này vẫn còn một số khó khăn bởi khả năng cung cấp trái cây còn theo mùa, sản phẩm trái cây chưa phong phú, chưa đủ điều kiện để hoạt động du lịch quanh năm.
* Còn nhiều khó khăn
Vệc xây dựng một sản phẩm du lịch OCOP hiện nay theo đánh giá của một số địa phương còn nhiều khó khăn. Nhiều người dân đến nay chưa hiểu khái niệm về sản phẩm du lịch OCOP. Các tiêu chí để đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP vẫn chưa được người dân cũng như những CLB, tổ hợp tác về du lịch tiếp cận.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý VH-TTDL (Sở VH-TTDL) cho biết, để xây dựng những câu chuyện về các sản phẩm du lịch địa phương thì người nông dân hoặc chính quyền địa phương là nơi nắm rõ nhất nội dung này. Bởi họ mới là người trực tiếp tạo ra sản phẩm, hiểu được câu chuyện về từng sản phẩm nông sản để giới thiệu đến du khách. Với vai trò là cơ quan quản lý các hoạt động về lĩnh vực du lịch, đơn vị sẽ hỗ trợ, hướng dẫn cũng như giám sát, tổ chức xúc tiến quá trình hoạt động, khai thác du lịch của nông dân để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp các quy định.
Nói về hướng phát triển OCOP của Đồng Nai những năm tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP địa phương, Đồng Nai phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các sản phẩm du lịch OCOP để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, khi du lịch phát triển thì đây sẽ là kênh phân phối, bán các sản phẩm OCOP của địa phương thuận lợi hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như những cảnh quan thiên nhiên tại nông thôn được duy trì và ngày càng được quản lý tốt hơn để hướng tới Đồng Nai là tỉnh có sự phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai phấn đấu có 125 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Phát triển khoảng 30 sản phẩm mới đạt từ 3 sao trở lên… Để hoàn thành mục tiêu, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành có nhiệm vụ nghiên cứu hỗ trợ người dân thực hiện các sản phẩm OCOP. Đối với các sản phẩm du lịch, hỗ trợ các chủ thể, nhóm cộng đồng phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng, miền; xây dựng "câu chuyện" cho sản phẩm OCOP phục vụ công tác phân phối, tiếp thị sản phẩm… |
Ngọc Liên