Trong định hướng phát triển, H.Trảng Bom đặt mục tiêu phấn đấu lên thị xã vào năm 2025. Đây cũng là địa phương duy nhất của tỉnh được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị hóa giai đoạn 2020-2025.
Trong định hướng phát triển, H.Trảng Bom đặt mục tiêu phấn đấu lên thị xã vào năm 2025. Đây cũng là địa phương duy nhất của tỉnh được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đô thị hóa giai đoạn 2020-2025.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên |
Địa phương đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM; tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, khắc phục những vấn đề về môi trường, an ninh trật tự… để về đích như kế hoạch đề ra.
* Nhiều thách thức
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% xã của Trảng Bom đều đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, tính đến nay, H.Trảng Bom chỉ có 6/16 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 2 xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM nâng cao đang trình thẩm định, 2 xã đang hoàn thiện hồ sơ NTM nâng cao, 6 xã còn lại đã hoàn thành 12-17 tiêu chí NTM nâng cao, chưa có xã NTM kiểu mẫu, còn chậm so với mục tiêu đề ra cũng như so với nhiều địa phương khác của tỉnh.
Khó khăn không nhỏ của Trảng Bom trong xây dựng NTM là quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh đã tạo sự quá tải về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông và trường học, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự chưa đảm bảo…
Tại cuộc họp về thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM với H.Trảng Bom mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu, địa phương phải quyết tâm, có sự chỉ đạo rốt ráo để hoàn thành mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM gắn với đô thị hóa. Các tiêu chí như: trường học, giao thông, văn hóa, môi trường, vốn đầu tư, an ninh trật tự, mô hình sản xuất cần được địa phương xác định nhiệm vụ cụ thể để đưa vào triển khai thực hiện sớm và đồng bộ, bài bản. |
Hướng đến phát triển đô thị, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, chủ yếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa...Tuy nhiên, địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư do nhu cầu vốn lớn. Theo báo cáo của UBND H.Trảng Bom, dự kiến nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của huyện giai đoạn 2021-2025 là 3.964 tỷ đồng. Trong đó, khả năng cân đối vốn của huyện là chỉ hơn 3,2 ngàn tỷ đồng nên mong được tỉnh hỗ trợ thêm gần 662 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2025 lên thị xã, song song với xây dựng các xã NTM, huyện cần xây dựng các phường. Địa phương đang gặp khó khăn về quỹ đất để đạt các tiêu chí về xây dựng trường chuẩn. Cụ thể, toàn huyện có 22 trường học chưa đạt chuẩn quốc gia thì có 18 trường do chưa có đủ diện tích đất xây dựng. Dân số tăng nhanh hằng năm kéo theo vấn đề an ninh trật tự rất lớn.
Ông Lê Ngọc Tiên, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom chia sẻ, mục tiêu cụ thể của huyện trong năm 2021 sẽ có thêm 4 xã hoàn thành NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, đồng thời tập trung củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu 100% xã của huyện đều đạt NTM nâng cao vào năm 2025. Huyện cố gắng đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành mục tiêu trên. Trong đó, địa phương đã xây dựng nguồn vốn trung hạn, đặc biệt là đầu tư các tuyến đường giao thông trọng điểm để phát triển kinh tế.
* Nông nghiệp vẫn là mũi nhọn
Tuy định hướng phát triển đô thị nhưng Trảng Bom luôn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, là sự đột phá trong phát triển chung của nền kinh tế. Trong đó, địa phương xác định phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Địa phương đang tập trung nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn GAP cũng như mô hình xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Đóng gói nông sản chế biến tại HTX Thanh Bình, H.Trảng Bom |
Đây cũng là định hướng của tỉnh đối với địa phương. Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh chỉ ra hạn chế của H.Trảng Bom, việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ của địa phương vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trong đó có nguyên nhân người dân chưa mặn mà tham gia chuỗi liên kết do giá đất tăng cao.
Theo đó, trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, địa phương nên bố trí quỹ đất xây dựng kho bãi, kho trữ, nhà chế biến nông sản; tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Hạn chế của huyện là hầu như chưa có điểm sáng về mô hình dân cư, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, địa phương có nhiều giải pháp vận động, huy động được sức dân vì người dân họ rất sáng tạo với nhiều cách làm hay giúp cho chính quyền địa phương.
Bình Nguyên