Báo Đồng Nai điện tử
En

TP.Biên Hòa: Sẽ không thu gom rác khi chưa phân loại

04:05, 10/05/2021

Đến cuối năm 2021, 80% cá nhân và hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn và đến cuối năm 2022, tỷ lệ này là 100%. Đó là mục tiêu của Kế hoạch phân loại rác tại nguồn năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 của UBND TP.Biên Hòa.

Đến cuối năm 2021, 80% cá nhân và hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn và đến cuối năm 2022, tỷ lệ này là 100%. Đó là mục tiêu của Kế hoạch phân loại rác tại nguồn năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 của UBND TP.Biên Hòa.

Người dân bỏ rác đã phân loại vào thùng ở chợ Biên Hòa
Người dân bỏ rác đã phân loại vào thùng ở chợ Biên Hòa. Ảnh: H.LỘC

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó có cả việc không thu gom rác đối với trường hợp không thực hiện phân loại.

* Không phân loại rác, không được thu gom

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc, trước đây thành phố đã thực hiện phân loại rác nhưng do kinh phí hỗ trợ mua thùng và túi đựng rác có hạn, phương tiện thu gom rác không đảm bảo và thực tế đơn vị hợp đồng chưa hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý rác thải làm phân hữu cơ nên việc triển khai nhân rộng bị chững lại, chưa đạt hiệu quả.

TP.Biên Hòa đang tập trung cho chương trình phân loại rác tại nguồn gắn với việc thu gom xử lý triệt để rác sinh hoạt vì thành phố xanh và sạch. Theo đánh giá của chính quyền thành phố, phương tiện, nhân lực, hạ tầng cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việc cần làm hiện nay là kiểm soát nguồn chất thải và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Cuối năm 2020, Thành ủy Biên Hòa ban hành chỉ thị, UBND thành phố ban hành kế hoạch về tiếp tục phân loại rác tại nguồn. Kế hoạch đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 80% cá nhân và hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn và cuối năm 2022, 100% rác sinh hoạt được phân loại tại nguồn.

Theo ông Lộc, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở bởi vừa qua 100% các chợ, cơ quan thuộc thành phố đã đồng loạt trang bị thùng rác để phân loại; tỷ lệ phân loại rác sinh hoạt tại các hộ gia đình ngày càng tăng. Đặc biệt, đơn vị thầu xử lý rác của thành phố đã sẵn sàng hệ thống xử lý rác làm compost công suất 450 tấn/ngày tại H.Vĩnh Cửu.

Để thực hiện mục tiêu, TP.Biên Hòa ngoài tăng cường tuyên truyền đến các hộ gia đình, cá nhân thông qua: loa truyền thanh, xe lưu động, pa-nô, còn gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn yêu cầu thực hiện phân loại rác. Thành phố cũng lập 2 tổ công tác liên ngành, đồng thời yêu cầu 30 phường, xã thành lập mỗi đơn vị một tổ chuyên đi xử lý các trường hợp bỏ rác không đúng nơi quy định.

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ liên tục đi kiểm tra việc thực hiện phân loại rác tại các hộ gia đình, các cơ quan của thành phố; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thành phố. Các trường hợp không thực hiện phân loại rác sẽ bị nhắc nhở, nêu tên công khai lên phương tiện truyền thông. Sang năm 2022, nếu các tổ chức, cá nhân vẫn cố tình không thực hiện, chúng tôi sẽ có chế tài mạnh hơn đó là yêu cầu đơn vị thu gom không thu gom rác chưa phân loại” - ông Lộc chia sẻ.

* Bắt buộc với mọi cá nhân, hộ gia đình

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực ngày 1-1-2022 quy định, việc phân loại rác thải sinh hoạt là bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối vận chuyển, không để rác đúng nơi quy định bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục.

Hiện tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt của TP.Biên Hòa đã đạt gần 100%, tuy nhiên vẫn còn tình trạng rác tồn lưu qua ngày, đổ trộm chất thải gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề đặt ra của thành phố hiện nay là tăng cường thu gom và xử lý triệt để rác thải; đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn để hạn chế chi phí thu gom và xử lý, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp là gia tăng nguồn tài nguyên tái chế, tái sử dụng. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng thành phố còn cần có sự chung tay của cả cộng đồng, những chủ thể làm phát sinh rác thải.

Vừa qua, chợ Biên Hòa trang bị 17 thùng rác loại 240L đặt ở 4 cổng ra vào chợ, khu vực bán thủy hải sản, rau củ quả, khu ăn uống để người dân và tiểu thương tiện bỏ rác. Cùng với đó, mỗi ngày loa phát thanh phát thông báo thực hiện phân loại rác, 2 tổ là vệ sinh và trật tự trực tiếp đi kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương phân loại rác, thế nhưng nhiều tiểu thương vẫn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

Ông Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa cho biết, Ban Quản lý chợ đã áp dụng nhiều cách tuy nhiên hiệu quả phân loại rác chưa cao. Ban quản lý chợ chỉ có thể nhắc nhở chứ không có thẩm quyền xử phạt. “Về lâu dài, tôi cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt, chứ chỉ tuyên truyền, nhắc nhở thôi chưa đủ” - ông Cương chia sẻ.

Chợ Tân Hiệp (P.Tân Hiệp) chỉ có bị 8 thùng rác, bố trí tại 4 khu vực nhưng việc phân loại rác được thực hiện khá tốt. Theo Ban quản lý chợ Tân Hiệp để có thể thay đổi được ý thức của người dân và tiểu thương trong việc phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định thì việc tuyên truyền bằng loa và băng-rôn thôi chưa đủ vì tiểu thương bận buôn bán không chú ý đến loa tuyên truyền xung quanh. Tranh thủ các buổi sinh hoạt chợ, ban quản lý cử người hướng dẫn tiểu thương rác hữu cơ gồm những loại gì, cần phải bỏ vào thùng nào; rác vô cơ là loại gì, cần phải bỏ vào thùng nào. Mỗi lần đi kiểm tra vệ sinh chợ lại nhắc tiếp, như vậy tiểu thương mới nhớ để thực hiện.

“Chúng tôi tha thiết kêu gọi ý thức tự giác của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và từng người dân để phân loại rác tại nguồn trở thành chương trình hành động thường xuyên của cả thành phố” - Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc chia sẻ.        

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều