Giá các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép liên tục tăng cao trong thời gian gần đây khiến các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và đứng trước nguy cơ thua lỗ...
Giá các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép liên tục tăng cao khiến các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Giá thép tăng cao khiến các nhà thầu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn và đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Trong ảnh: Thi công xây dựng công trình Trường mầm non số 1 tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. | Ảnh: Phạm Tùng
* Đối mặt với nguy cơ thua lỗ
Cuối năm 2020, Công ty CP Đầu tư xây dựng 493 trúng thầu công trình xây dựng Trường mầm non số 1 tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn theo hình thức hợp đồng trọn gói. Đến nay, sau khoảng 5 tháng thi công, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng phần thô. Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng nay, doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính cho công trình bởi giá thép xây dựng liên tục tăng cao.
Ông Nguyễn Bảo Trung, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 493 cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép liên tục tăng cao khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vật liệu để thi công công trình. “Căng thẳng nhất là từ tháng 3 đến nay, thép xây dựng gần như đã tăng giá gần gấp đôi khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Bảo Trung cho biết.
Theo ông Nguyễn Bảo Trung, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 493, ngoài giá thép tăng “phi mã”, từ đầu năm 2021 đến nay giá các loại vật liệu xây dựng khác như: cát, xi măng, gạch cũng đều tăng giá khiến các nhà thầu xây dựng đã khó càng thêm khó. |
Giá thép tăng cao đột biến khiến chi phí vật liệu cho công trình tăng theo, vượt xa dự toán hợp đồng đã ký kết khiến nhà thầu đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Theo ông Nguyễn Bảo Trung, thời điểm ký kết hợp đồng, giá thép chỉ ở mức khoảng 11 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay, giá thép đã tăng lên mức hơn 20 ngàn đồng/kg. “Với công trình Trường mầm non số 1, ước tính chi phí mua thép phục vụ toàn bộ công trình chỉ vài tỷ đồng nhưng với mức giá hiện nay, chi phí mua thép đã tăng lên mức hơn 10 tỷ đồng. Điều này khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính” - ông Trung nói.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Tiến Lợi, phụ trách thi công cầu An Hòa 2, dự án xây dựng Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1) thuộc liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty TNHH Cường Hùng cho hay, giá thép tăng cao đang là vấn đề “đau đầu” của các nhà thầu xây dựng. “So với thời điểm ký hợp đồng, hiện nay giá thép xây dựng đã tăng gấp đôi” - ông Nguyễn Tiến Lợi cho biết.
Cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ khẩn thiết kiến nghị có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến.
Trong công văn, VACC cho biết, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I, đặc biệt cao trong tháng 4-2021.
Theo VACC, so với quý IV-2020, thì vào đầu quý II-2021, tất cả các thương hiệu thép xây dựng đều đã đồng loạt tăng giá trung bình từ 30-40%. Điều này dẫn tới các nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng “phi mã”.
* Mong có chính sách hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Bảo Trung, với hợp đồng đã ký kết theo hình thức trọn gói, hiện nay dù gặp khó khăn vì giá thép tăng cao thì doanh nghiệp vẫn phải “gồng mình” để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình theo hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện, có các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp.
“Hợp đồng đã ký kết là hợp đồng trọn gói nên không thể thay đổi. Tuy nhiên, trước tình hình giá thép tăng đột biến, nhà thầu mong muốn các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện điều chỉnh giá vật tư, trong đó có giá thép theo thực tế giá thị trường” - ông Nguyễn Bảo Trung chia sẻ.
Tương tự ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công ty CP Giao thông 828, nhà thầu xây dựng công trình trụ sở UBND xã tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho rằng, giá thép tăng cao như hiện nay khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính và đứng trước nguy cơ thua lỗ cao. Do đó, hầu hết các nhà thầu đều mong muốn các cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo giá vật liệu thực tế trên thị trường hiện nay.
Ông Mai Phong Phú, Phó trưởng phòng Cấp thoát nước, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị chủ đầu tư dự án xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho hay, hiện nay, đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật do đã cơ bản hoàn thành nên không còn chịu tác động từ việc giá thép tăng. Tuy nhiên, đối với các công trình hạ tầng xã hội do mới được triển khai thực hiện nên chịu ảnh hưởng khá lớn. Hiện nay, đơn vị đã ghi nhận các ý kiến của các nhà thầu tại dự án để tổng hợp kiến nghị các cơ quan chức năng. “Khi đã ký hợp đồng trọn gói thì nhà thầu phải chịu sự biến động của thị trường. Do đó, về phía đơn vị cũng chỉ dừng ở mức ghi nhận, tổng hợp và kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền. Việc giá thép tăng hiện nay là xảy ra chung trên cả nước nên để có thể xử lý thì phải có chính sách từ Trung ương chứ địa phương khó có thể xử lý được” - ông Mai Phong Phú chia sẻ.
Thực tế, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, VACC đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ, ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân, các sở xây dựng cập nhật đơn giá thị trường. Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các sở xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu.
Phạm Tùng