Hiện nay, tại H.Định Quán có hàng ngàn hộ dân đang chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) với diện tích lên đến hơn 3 ngàn ha. Nhiều người dân thắc mắc, cùng nguồn gốc đất như nhau nhưng có khu vực được cấp sổ hồng, khu vực lại chưa được cấp.
Hiện nay, tại H.Định Quán có hàng ngàn hộ dân đang chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) với diện tích lên đến hơn 3 ngàn ha. Nhiều người dân thắc mắc, cùng nguồn gốc đất như nhau nhưng có khu vực được cấp sổ hồng, khu vực lại chưa được cấp.
Ông Lại Văn Nhi (ấp 2, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) trên thửa đất mong sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Hương Giang |
Theo UBND H.Định Quán, diện tích đất người dân đang đợi cấp sổ hồng chủ yếu nằm ở các xã Thanh Sơn, Gia Canh và Ngọc Định. Nguồn gốc những thửa đất trên là của các nông, lâm trường giao về cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, do vướng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và định giá tài sản trên đất nên người dân buộc phải chờ đợi.
* Còn nhiều vướng mắc
Phần lớn các thửa đất chưa được cấp sổ hồng tập trung ở xã Thanh Sơn. Nguồn gốc đất từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà bàn giao về cho địa phương quản lý. Cụ thể, năm 1998, UBND tỉnh đã có Quyết định 1423/1998.QĐ.CT.UBT thu hồi đất của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp La Ngà giao cho UBND xã Thanh Sơn quản lý để tổ chức đo đạc, đăng ký và xét cấp sổ hồng cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng tại xã Thanh Sơn. Trong quyết định, diện tích thu hồi là hơn 4 ngàn ha nhưng khi đo đạc thực tế là 5.607ha. Sau đó, diện tích bàn giao về địa phương đã nhận hơn 3,4 ngàn ha. Trong diện tích bàn giao về, H.Định Quán đã tiến hành cấp sổ hồng được 2.369ha, còn lại 1.049ha.
Đến ngày 25-4-2016, UBND tỉnh có Quyết định số 1217/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà tại xã Thanh Sơn với diện tích 2.646ha (bao gồm 1.561ha tăng thêm). Trong diện tích UBND tỉnh thu hồi này có 1.493ha có cây rừng và 1.153ha không có rừng. Với diện tích đất UBND tỉnh thu hồi năm 2016, hầu hết người dân đang sử dụng đã đề nghị được cấp sổ hồng. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đất có nguồn gốc nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý phải có phương án sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt và phù hợp quy hoạch sử dụng đất mới được cấp sổ hồng. Dẫu vậy đến nay, việc phê duyệt phương án sử dụng đất trên chưa thực hiện được vì còn vướng một số vấn đề. Cụ thể, trong Luật Đất đai năm 2013 không quy định rõ là đất có nguồn gốc nông, lâm trường có được phép cấp sổ hồng cho các hộ gia đình, cá nhân hay không? Bên cạnh đó, gần 1,5 ngàn ha đất đã bàn giao có cây rừng phải đợi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà định giá tài sản trên đất, rồi bàn giao đất cho địa phương mới tiến hành kê khai và cấp sổ hồng cho người dân.
Ông Lại Văn Nhi (ấp 2, xã Thanh Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3ha đất có cùng nguồn gốc như nhau nhưng chỉ hơn 0,1ha được cấp sổ hồng. Nhiều năm qua, gia đình tôi yêu cầu được cấp sổ hồng nhưng vẫn phải đợi. Vì chưa có sổ hồng nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất”.
Theo bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, toàn xã còn 4,2 ngàn hộ đang trực tiếp sản xuất trên đất có nguồn gốc từ Công ty TNHH MTV La Ngà bàn giao về cho địa phương nhưng chưa được cấp sổ hồng. Có 3 nguyên nhân chính khiến việc cấp sổ hồng bị chậm lại là vướng Luật Đất đai năm 2013, vướng tài sản cây rừng trên đất, chưa phân định rõ ranh giới đất đai. Nhiều năm qua, mỗi lần tiếp xúc cử tri người dân đều kiến nghị sớm cấp sổ hồng cho người dân.
* Tiếp tục chờ đợi...
Tại xã Ngọc Định cũng có hơn 110ha vướng vào tình trạng tương tự xã Thanh Sơn. Xã Gia Canh có hơn 300ha của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đã bàn giao về cho địa phương quản lý từ năm 2015, nhưng cũng vướng các quy định liên quan đến đất đai nên chưa được cấp sổ hồng.
Bà Thạch Thị Ngọc Thanh, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Canh cho hay: “Xã đã lập kế hoạch sử dụng đất với hơn 300ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú bàn giao về địa phương quản lý. Diện tích đất trên thuộc ấp 9 và có khoảng 500 hộ dân đang sinh sống, canh tác trên đất từ năm 1975, 1976 đến nay. Do đó, các hộ gia đình mong sớm được cấp sổ hồng để họ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”. Đồng thời, có sổ hồng các hộ gia đình có thể chia tách cho con cái đến tuổi trưởng thành, xây dựng nhà ở hợp pháp...
Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết: “Huyện đã trình phương án sử dụng đất của các đơn vị bàn giao về cho địa phương quản lý lên UBND tỉnh nhưng chưa được phê duyệt. Nguyên nhân do còn một số vướng mắc liên quan đến đất đai phải chờ ý kiến Bộ TN-MT để tháo gỡ. Nhưng đến nay, Bộ TN-MT vẫn chưa có ý kiến nên vẫn phải tiếp tục đợi”. Cũng theo ông Tài, khi nào Bộ TN-MT có hướng dẫn cụ thể, UBND tỉnh căn cứ vào đó, yêu cầu địa phương điều chỉnh phương án sử dụng đất cho phù hợp và sẽ tiến hành phê duyệt, từ đó huyện mới thực hiện việc cấp sổ hồng cho các hộ gia đình, cá nhân.
Trước đó, vào tháng 9-2020, Sở TN-MT có văn bản 7555/STNMT-CCQLĐĐ gửi các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa về phương án sử dụng đất UBND tỉnh thu hồi bàn giao địa phương quản lý, trong đó nêu rõ trình tự lập, thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất còn vướng mắc cần phải xin ý kiến Bộ TN-MT hướng dẫn cụ thể. Do vậy, trong thời gian chờ ý kiến của Bộ TN-MT, Sở TN-MT đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục quản lý chặt chẽ các khu đất trên và rà soát ngoài thực địa để xác định đối tượng sử dụng đất, nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất trước khi xây dựng phương án và đề xuất xử lý tài sản trên đất nếu có. Các địa phương kiểm tra lại ranh giới các thửa đất và thể hiện đầy đủ trên phiếu điều tra, những thửa đất không xác định được người sử dụng phải khoanh định ranh giới, vị trí và lập danh sách quản lý chặt chẽ.
Theo Sở TN-MT, toàn tỉnh có 37 khu đất được UBND tỉnh chấp thuận cho các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa lập phương án sử dụng đất. Hiện có 10 phương án sử dụng đất của các huyện, thành phố đã gửi Hội đồng thẩm định của tỉnh. |
Hương Giang