Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt cần vượt qua rào cản kỹ thuật để hội nhập

04:05, 12/05/2021

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, các FTA còn có nhiều rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ... mà các doanh nghiệp (DN) cần phải tuân thủ để "sòng phẳng" trong sân chơi hội nhập.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, các FTA còn có nhiều rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ... mà các doanh nghiệp (DN) cần phải tuân thủ để “sòng phẳng” trong sân chơi hội nhập.

Sản xuất trái cây sấy tại một công ty chế biến nông sản ở H.Định Quán
Sản xuất trái cây sấy tại một công ty chế biến nông sản ở H.Định Quán. Ảnh: L.PHƯƠNG

* Quy tắc xuất xứ là chìa khóa

Với việc Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới, vấn đề về xuất xứ hàng hóa cần được các DN đặc biệt quan tâm, nhất là đối với những mặt hàng nằm trong danh mục được hưởng thuế ưu đãi.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh, quy tắc xuất xứ là một trong những rào cản lớn nhất của DN trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Quy tắc xuất xứ được ví như một trong những chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU, CPTPP, RCEP đầy tiềm năng.

Bên cạnh đó, để hội nhập sâu rộng, DN Việt sẽ phải tìm cách vượt qua các quy định ngày càng nghiêm ngặt về: an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa, công nghệ chế biến... Từ đó, DN chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các thỏa thuận trong các FTA mà Việt Nam tham gia như: EVFTA, CPTPP..., đặc biệt là những thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của DN, các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng ở từng thị trường cụ thể.

Bà Hoàng Ngọc Oanh, chuyên gia của Hiệp hội Thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam chia sẻ, khi tham gia các hiệp định lớn như EVFTA thì yếu tố về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm là những yếu tố tiên quyết, cần phải có. Do đó, để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, hàng hóa trong nước cần chú trọng hơn đến các yếu tố liên quan tới phát triển bền vững gồm: yếu tố về bảo vệ môi trường, nhãn sinh thái, đảm bảo các quy định về lao động, tính xã hội trong sản xuất, kinh doanh...

* Từng bước tuân thủ các “rào cản kỹ thuật”

Theo các chuyên gia, trong thương mại quốc tế, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (Technical Barriers to Trade - TBT) thực chất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó.

Các biện pháp kỹ thuật này về nguyên tắc là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như: sức khỏe con người, môi trường, an ninh... Vì vậy, mỗi nước thành viên của EVFTA, CPTPP, RCEP... đều thiết lập và duy trì một hệ thống biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Nam chia sẻ thêm, trên thực tế, các biện pháp kỹ thuật có thể là những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế bởi chúng có thể được sử dụng vì mục tiêu bảo hộ cho sản xuất trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hóa nước ngoài vào thị trường nước nhập khẩu. Bên cạnh các TBT, thị trường xuất khẩu trong các FTA thế hệ mới còn áp dụng những biện pháp kiểm dịch động - thực vật, nhất là đối với sản phẩm nông sản, chăn nuôi... Đây là các quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc có tác động đến thương mại quốc tế nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, vật nuôi, động - thực vật qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm và/hoặc ngăn chặn sự xâm nhập của các bệnh có nguồn gốc từ động - thực vật.

Hình thức của các biện pháp kiểm dịch động thực vật có thể rất đa dạng. Ví dụ, đó có thể là yêu cầu về chất lượng, về bao bì, về quy trình đóng gói, phương tiện và cách thức vận chuyển động - thực vật, kiểm dịch, phương pháp lấy mẫu, thống kê...

Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán), trong thời gian qua, công ty đã thường xuyên chú trọng đầu tư đổi mới, cập nhật công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, phát triển nhiều dòng sản phẩm đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận toàn cầu về sản xuất và kinh doanh nông sản có trách nhiệm của Hà Lan)...

Tại hội nghị Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - tận dụng cơ hội xuất khẩu từ FTA thế hệ mới vừa được UBND tỉnh phối hợp với Hiệp hội Trang trại - DN nông nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 4-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền về các FTA thế hệ mới; rà soát, có phương án phù hợp để hỗ trợ các DN, HTX trên địa bàn tỉnh mở rộng, đa dạng các kênh tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh kết nối giao thương, tìm hướng nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản nông sản theo hướng hiện đại... với mục tiêu thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị nông sản và tận dụng, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu từ các FTA thế hệ mới.

Lam Phương

Tin xem nhiều