Trong hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 như một "cơn bão" xuất hiện bất ngờ rồi "di chuyển" với tốc độ và diễn biến khó lường đã gây ra nhiều biến động, sóng gió đối với các ngành kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp, HTX sản xuất - kinh doanh...
Trong hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 như một “cơn bão” xuất hiện bất ngờ rồi “di chuyển” với tốc độ và diễn biến khó lường đã gây ra nhiều biến động, sóng gió đối với các ngành kinh tế. Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN), HTX sản xuất - kinh doanh là đối tượng chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất.
Đến nay, khi tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều DN sản xuất, xuất khẩu, DN trong lĩnh vực tiêu dùng, mô hình dịch vụ… đã triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch Covid-19 để dần thích nghi trong bối cảnh bình thường mới.
Bài 1: Một năm sóng gió
Trong năm 2020 - năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều DN lao đao giữa những sóng gió từ đại dịch, nhất là các DN, HTX về dịch vụ, thương mại buộc phải tạm ngừng hoạt động, tuân thủ các nguyên tắc giãn cách xã hội.
Đồ họa thể hiện tình hình giải thể doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2020 (Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai - Đồ họa: Hải Quân) |
Điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu, lợi nhuận của nhiều DN, ngành hàng... Thậm chí, có trường hợp không thể bám trụ phải chuyển hướng kinh doanh, thanh lý, cho thuê lại mặt bằng để bù đắp khoản chi phí đã bỏ ra.
* Nhiều hệ lụy trực tiếp
“Cơn bão” Covid-19 kéo theo nhiều tác động lớn, số lượng DN bị giải thể, chấm dứt hoạt động, tạm ngưng kinh doanh… tăng cao so với cùng kỳ những năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, Việt Nam có 101,7 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8,5 ngàn DN rút lui khỏi thị trường. Đây là con số cao nhất trong 10 năm nay.
Một số ngành có doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; vận tải hành khách và vận tải hàng hóa… Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng năm 2020 của tỉnh đạt khoảng 183,3 ngàn tỷ đồng, tăng gần 6,8% so với năm 2019, mức tăng này thấp hơn so với mức tăng kế hoạch đề ra là 10-11%. Trong đó, doanh thu các hoạt động dịch vụ giảm mạnh. Cụ thể, so với năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú giảm hơn 31%, dịch vụ ăn uống giảm 4,1%, dịch vụ du lịch lữ hành giảm 55,4%, các loại hình dịch vụ khác giảm gần 6,2%...
Ông Phạm Châu An, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Suối Mơ - đơn vị quản lý Công viên sinh thái Suối Mơ (H.Tân Phú) cho biết, trước những khó khăn do dịch bệnh, trong năm 2020, lượng khách và doanh thu của công ty sụt giảm mạnh khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Cho đến nay, hoạt động của công viên vẫn phải liên tục “hồi hộp” theo diễn biến của dịch Covid-19.
Còn ông Hà Văn Thịnh, Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách ở TP.Biên Hòa chia sẻ, trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách, số chuyến hoạt động của công ty đã giảm đi khá nhiều. Trong đó, có tuyến xe hợp đồng du lịch từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Mũi Né, lượng khách giảm tới 70%. Đối với tuyến xe dịch vụ từ Biên Hòa đi Vũng Tàu, có nhiều thời điểm số chuyến mỗi ngày giảm gần một nửa so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19…
Dịch vụ vận tải chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19. Trong ảnh: Hoạt động đón, trả hành khách tại Bến xe Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân |
Trước những khó khăn từ “cơn bão” Covid-19, nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải “gồng mình” cầm cự, tiết giảm nhân sự, chuyển hướng sang kinh doanh bằng hình thức online, cho thuê lại mặt bằng… để giảm bớt những gánh nặng về chi phí vận hành. Cá biệt, cũng có không ít trường hợp buộc trả lại mặt bằng, tìm mặt bằng khác có giá rẻ hơn... vì kinh doanh thua lỗ, thu không bù chi.
Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai chia sẻ, dịch Covid-19 khiến cho các loại hình bán lẻ, dịch vụ tại trung tâm thương mại chịu nhiều ảnh hưởng. Đã có những thời điểm, nhiều DN, đơn vị, cửa hàng buộc phải trả lại mặt bằng kinh doanh. Tính đến nay, lượng mặt bằng cho thuê tại trung tâm thương mại mới hồi phục khoảng 50% so với thời điểm chưa xảy ra dịch. Trong đó, các gian hàng về thời trang, hàng gia dụng vẫn còn trống khá nhiều.
Tương tự, ông Khánh Du, chủ Cơ sở Ăn uống Đô Beer (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, quán của ông đi vào hoạt động từ tháng 6-2020. Tuy nhiên, sau đó liên tiếp những đợt dịch Covid-19 bùng phát trong nước đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của quán. Vài tháng nay, không chỉ quán ông mà các hàng quán kinh doanh ăn uống xung quanh đều lâm vào cảnh “đóng băng” khi lượng khách vô cùng ảm đạm.
“Tình hình kinh doanh ế ẩm trong khi đó hằng tháng quán đều phải chi trả tiền mặt bằng 18 triệu đồng cùng với tiền thuê nhân viên, điện, nước, gas tăng dần đã khiến việc kinh doanh gặp khó. Dù đã cố gắng cầm cự nhưng tôi cũng vừa phải đăng tin sang nhượng quán và chịu lỗ một khoản lớn” - ông Khánh Du bộc bạch.
* Sóng trước chưa qua, sóng sau đã tới
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường với những đợt bùng phát bất ngờ, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn đối với các DN, HTX, chuỗi cửa hàng, dịch vụ, hộ kinh doanh…
Một trong những lĩnh vực liên tục phải chịu “sóng gió” từ “cơn bão” Covid-19 đó là dịch vụ vận tải, logistics… Nhiều DN, HTX vận tải phải đối mặt với khó khăn “kép” khi chi phí đầu vào cao, trong khi doanh thu đầu ra lại giảm sút.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, trong thời gian qua, giá xăng dầu cùng với một số chi phí dịch vụ, cảng biển tăng, đặc biệt có những đợt cao điểm còn xảy ra tình trạng khan hiếm container rỗng để luân chuyển hàng hóa… khiến cho hoạt động logistics phát sinh thêm chi phí vận hành, tốn nhiều thời gian. Từ đó, gây ra tác động không nhỏ tới lợi nhuận của các DN trong lĩnh vực này, nhất là khi nhu cầu về vận tải, logistics mới chỉ có những dấu hiệu tích cực sau thời gian dài chịu nhiều tác động bởi diễn biến của dịch Covid-19.
Cùng với đó, dịch Covid-19 khiến cho sức mua nhiều loại mặt hàng, dịch vụ trên thị trường bị ảnh hưởng, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Tân Sửu vừa qua, lượng tiêu thụ nhiều loại hàng hóa, dịch vụ giảm khá nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Điều này khiến cho một số loại hình bán lẻ, dịch vụ truyền thống chịu thua lỗ, gặp nhiều khó khăn.
Nhiều tiểu thương kinh doanh sản phẩm thời trang như: quần áo, vải, giày dép… tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình kinh doanh khá phập phồng, nhiều sạp hàng thường xuyên trong tình trạng “ế khách”. Lượng khách đến mua sắm giảm từ 30-50%, thậm chí có sạp giảm đến 70% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Trong khi đó, đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, năm 2020 vừa qua cũng chứng kiến nhiều ngành hàng, DN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 khiến cho doanh thu của DN bị sụt giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đi kèm với những khó khăn về nguồn vốn, thiếu nguồn nguyên liệu…
Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho biết, DN với nhiều khó khăn, phục hồi tương đối chậm sau những tác động từ dịch Covid-19. Trong đó, chi phí vận tải tăng cao, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn khiến hiệu quả sản xuất, doanh thu, lợi nhuận từ xuất khẩu của công ty chưa đạt được như kỳ vọng.
Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của công ty giảm mạnh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Trong đó, mảng xuất khẩu của công ty bị gián đoạn khi nhiều thị trường truyền thống tạm ngưng nhập hàng. Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu liên tục trồi sụt, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến cho hoạt động sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn.
Hải Quân
Bài 2: Trong “nguy” có “cơ”