Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu

10:05, 21/05/2021

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến khó lường, nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống... trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang chủ động nguồn hàng cung ứng các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng...

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến khó lường, nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống... trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang chủ động nguồn hàng cung ứng các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng...

Người dân chọn mua các sản phẩm thực phẩm khô, mì ăn liền tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Người dân chọn mua các sản phẩm thực phẩm khô, mì ăn liền tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

* Sức mua giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý các chợ truyền thống... trong tỉnh, khoảng nửa tháng nay, sức mua của người tiêu dùng giảm khá nhiều. Nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, phức tạp, nhất là khi xuất hiện một số trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại một số địa phương trong nước, trong đó có 1 trường hợp ở Đồng Nai, khiến cho người dân có phần e dè, hạn chế đến các trung tâm mua sắm, nơi công cộng.

Bà Mai Thị Hương Lan, Trưởng phòng Marketing Co.opmart Biên Hòa cho hay, nhu cầu mua sắm tại siêu thị hiện giảm khoảng 15-20% so với thời điểm trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Tương tự, ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) cho biết, sức mua của người dân địa phương giảm mạnh trong thời gian gần đây, lượng khách đến siêu thị mua sắm vắng hơn nhiều so với trước đây, nhất là khi TP.Long Khánh ghi nhận 1 trường hợp nhiễm Covid-19. Siêu thị vẫn đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng và dự trữ trong thời gian này.

Đối với các chợ truyền thống, sức mua nhiều mặt hàng cũng khá chậm, kể cả các loại thực phẩm, nông sản. Ông Phạm Đức Nam, Phó trưởng ban Quản lý chợ Long Thành (H.Long Thành) chia sẻ, từ đầu tháng 5 đến nay, lượng hàng tiêu thụ tại nhiều sạp hàng trong chợ khá chậm, sức mua nhiều mặt hàng giảm khoảng 50% so với trước khi có dịch. Lượng hàng hóa tại chợ hiện khá dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người dân.

* Chủ động nguồn hàng dự trữ

Đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống cho biết, hiện nay nguồn hàng hóa dự trữ, cung ứng vẫn được đảm bảo, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Nhiều đơn vị đã liên hệ với nhiều nhà cung cấp để đặt hàng dự phòng đảm bảo hàng cung ứng ra thị trường liên tục với giá ổn định.

Bà Mai Thị Hương Lan cho biết thêm, lượng hàng hóa tại siêu thị được đảm bảo. Siêu thị vẫn chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu như: hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng... với giá cả ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá...

Theo Sở Công thương, đối với các sản phẩm chăn nuôi như: thịt heo, gà, trứng gia cầm, hiện nay, tổng đàn heo của tỉnh khoảng 2,4 triệu con, tổng đàn gà khoảng 23,7 triệu con đủ để cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Chăn nuôi C.P. chi nhánh tại Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh, Công ty CJ Vina... cam kết cung cấp đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc BigC Đồng Nai chia sẻ, đơn vị đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, trong đó sẵn sàng nguồn hàng dự trữ từ 2-3 tháng nếu có biến động về thị trường. Ngoài ra, đơn vị vẫn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi định kỳ dành cho khách hàng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 trung tâm thương mại, 11 siêu thị, 148 chợ truyền thống, 1 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cùng với gần 200 cửa hàng tiện tích và trên 65 ngàn cửa hàng tạp hóa đang hoạt động.

Theo Sở Công thương, Sở đã xây dựng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu, ứng phó diễn biến dịch Covid-19 theo 5 cấp độ tùy vào mức độ, diễn biến của dịch bệnh. Sở làm việc và đề nghị 13 doanh nghiệp cam kết dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường với các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt heo, thịt gà, nước chấm, trứng gia cầm, mì gói, thực phẩm chế biến, nước uống...

Các đơn vị đó là: Co.opmart Biên Hòa, MM Mega Market Biên Hòa, BigC Đồng Nai, BigC Tân Hiệp, Vinmart Biên Hòa, Vinmart Long Thành, Lotte Mart Đồng Nai, Siêu thị Hoàng Đức, Công ty CP Chăn nuôi C.P. chi nhánh tại Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh, Công ty CP Bibica, chi nhánh Long Bình của Công ty CP Sài Gòn Lương thực với tổng số hàng dự trữ khoảng 2.091 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu, kịp thời cung cấp cho thị trường khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc khan hiếm hàng hóa cục bộ, hằng năm Sở Công thương đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, kế hoạch dự trữ hàng hóa trên địa bàn Đồng Nai đang thực hiện theo Kế hoạch số 11724/KH-UBND ngày 1-10-2020 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2020-2021.

Theo đó, đến nay các địa phương trong tỉnh đã thẩm định cho 9 đơn vị vay vốn (gồm: 4 HTX và 5 hộ kinh doanh) được vay vốn ngân sách tham gia chương trình bình ổn giá năm 2020-2021 với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn vận động được 49 hộ kinh doanh tham gia bình ổn giá không vay vốn ngân sách.

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, lượng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu tại chợ hiện nay khá dồi dào với giá ổn định. Đồng thời, HTX dự kiến sẽ tăng nguồn hàng bình ổn giá dự trữ gấp đôi so với năm ngoái để kịp thời ứng phó với những diễn biến khó lường của dịch Covid-19.

Lam Phương

Tin xem nhiều