Đồng Nai đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên đến nay, một số dự án bị "ách" lại bởi liên quan đến các vấn đề vướng mắc như: thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất rừng…
Đồng Nai đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên đến nay, một số dự án bị “ách” lại bởi liên quan đến các vấn đề vướng mắc như: thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất rừng…
Bến thuyền phục vụ tuyến du lịch đường sông (hiện nay đã tạm ngưng hoạt động). Ảnh: Ngọc Liên |
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư, các sở, ngành, địa phương đang nỗ lực để hỗ trợ về mặt thủ tục, chế độ chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và triển khai dự án nhanh nhất.
* Nhiều dự án vướng thủ tục
Du lịch Đồng Nai những năm gần đây thu hút khá nhiều dự án phát triển du lịch từ sinh thái rừng, sinh thái vườn, khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án có tiến độ triển khai khá “ì ạch”. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do vướng các loại thủ tục, giấy tờ.
Dự án tuyến du lịch đường sông là một trong những tuyến được hình thành từ khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai phục vụ. Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VH-TTDL chia sẻ, tuyến du lịch đường sông có quy mô khoảng 30ha, điểm dừng chân gồm một số điểm như: cù lao Ba Xê, làng bưởi Tân Triều, các chùa, miếu ven sông… Năm 2018, một công ty trên địa bàn TP.Biên Hòa đã đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông giai đoạn 1. Tuy nhiên, do các điểm đến theo kế hoạch chưa được đầu tư nên tuyến du lịch này khai thác chưa hiệu quả, cùng với ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mới đây doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động.
Đồng Nai những năm gần đây trở thành điểm đến của các nhà đầu tư với lợi thế có hệ sinh thái rừng phong phú trải đều các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc... Song phần lớn các dự án đều đang vướng về các thủ tục liên quan đến thuê dịch vụ môi trường rừng. Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT, do thời điểm thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh phát sinh sau khi có Luật Lâm nghiệp nên các thủ tục phải chặt chẽ hơn những tỉnh, thành đã từng làm dự án du lịch trên đất rừng trước đó. Hiện tại, Sở NN-PTNT đang làm thủ tục hợp đồng cho thuê môi trường rừng đối với doanh nghiệp đầu tư dự án KDL Thác Mai - Bàu nước sôi (H.Định Quán). Sau khi dự án đầu tiên được thông suốt sẽ tạo tiền đề cho các dự án tiếp theo hoàn thiện thủ tục.
Song song với việc triển khai các thủ tục phát triển khu, điểm du lịch, ông Dương Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Long Thành còn cho rằng, Đồng Nai cần một “nhạc trưởng” trong vấn đề phát triển du lịch. “Nhạc trưởng” có nhiệm vụ kết nối các sản phẩm địa phương đến các điểm, khu du lịch. Đồng thời, triển khai mạnh chiến lược kích cầu du lịch, phát huy những thế mạnh về du lịch mà Đồng Nai có, trong đó có hỗ trợ, tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình xin cấp phép các dự án du lịch.
* Cần sự đồng bộ
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp thuộc sự quản lý của nhiều sở, ngành, địa phương. Mặc dù trong thời gian qua có sự phối hợp của các cơ quan để giải quyết tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng nhìn chung chưa thật sự quyết liệt và còn lúng túng.
Một trong những nhiệm vụ đột phá của ngành Du lịch được xác định theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là “Đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”, tuy nhiên nội dung này cho đến nay từ trung ương đến các địa phương không thực hiện được.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT chia sẻ, thời gian qua, trong quá trình rà soát các dự án phát triển du lịch của tỉnh đã phát sinh một số nội dung liên quan đến đất đai, đất giao khoán, đất công... qua nhiều thời kỳ lịch sử, do đó nhiều trường hợp các địa phương không nắm hết, khiến cho các sở chuyên ngành không đủ thông tin nên vấn đề xử lý hồ sơ mất thời gian. Ông Hạ đề nghị đối với những dự án tỉnh đã có chủ trương, chỉ đạo thì cần tăng tốc thực hiện, giải quyết cho các nhà đầu tư. Dự án nào cần điều chỉnh quy hoạch thì các địa phương chủ động để phối hợp kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, hiện nay các địa phương đang tiếp xúc với các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư có đề xuất điều chỉnh dự án liên quan đến quy hoạch, các huyện xem xét kỹ những đề xuất của các nhà đầu tư nếu phù hợp với điều kiện thực tế thì báo cáo UBND tỉnh xem xét cho chủ trương. Đối với vướng mắc cho thuê dịch vụ môi trường rừng, nếu chưa có kinh nghiệm thì tham khảo các địa phương khác hoặc đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần trong quá trình triển khai, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Không để doanh nghiệp “ngoảnh mặt” với các dự án Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát để có hướng tháo gỡ khó khăn đối với các dự án du lịch trên địa bàn huyện. Đồng thời, yêu cầu các địa phương phối hợp tích cực với doanh nghiệp, không để nhà đầu tư “ngoảnh mặt” vì lý do chờ các thủ tục quá lâu, gây thiệt hại về thời gian, tiền của cho nhà đầu tư. Thời gian tới, tỉnh sẽ đồng hành với các địa phương trong vấn đề “khơi thông” cho các dự án du lịch của tỉnh. |
Ngọc Liên