Với sự hỗ trợ về phương thức canh tác, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dùng mô hình máy bay không người lái để phun thuốc và có kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ tận tình, bà con nông dân trên địa bàn ấp 8, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) đang có một vụ thu hoạch lúa đầu năm đạt năng suất và sản lượng vượt trội.
Với sự hỗ trợ về phương thức canh tác, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dùng mô hình máy bay không người lái để phun thuốc và có kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ tận tình, bà con nông dân trên địa bàn ấp 8, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) đang có một vụ thu hoạch lúa đầu năm đạt năng suất và sản lượng vượt trội.
Nông dân kiểm tra lúa thời điểm thu hoạch tại cánh đồng lúa Bàu Kiên. Ảnh: Ngọc Liên |
Đây là tiền đề để H.Định Quán triển khai rộng rãi mô hình sản xuất này đến toàn bộ hơn 5 ngàn ha đất trồng lúa trên địa bàn huyện và áp dụng hệ thống tưới phun đối với các loại cây lâu năm khác. Bên cạnh đó, mô hình liên kết hợp tác “4 nhà” tiếp tục được phát huy, phù hợp với yêu cầu và thị trường hiện nay nhằm ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ và kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với cánh đồng lúa.
* Mùa vụ bội thu
Cánh đồng lúa ấp Bàu Kiên với diện tích khoảng 147ha của hơn 100 hộ đang canh tác những ngày cuối tháng 3 trở nên tất bật bởi đã đến mùa thu hoạch. Những dải ruộng vàng óng đang chờ ngày cắt lúa. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, năm nay là vụ đầu tiên phần lớn áp dụng mô hình liên kết với Tập đoàn Lộc Trời (Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cũ) thực hiện kỹ thuật canh tác có bài bản, khoa học hơn. Điều nhận thấy rõ nét nhất là cánh đồng chín đều, không còn cảnh lúa chín theo từng ô ruộng khác nhau vì mỗi gia đình chăm sóc khác nhau. Cùng với kiến thức, kỹ thuật, nông dân được sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm sức khỏe khi hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu.
Được tư vấn chọn giống lúa phù hợp và hướng dẫn cách chăm sóc cũng như hỗ trợ kỹ thuật phun thuốc trên diện tích 1,6ha lúa, vụ thu hoạch lúa đông xuân năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp 8) vui mừng khi năng suất lúa đạt 9 tạ/sào, đây là kết quả cao nhất từ trước đến giờ gia đình anh từng đạt được nhờ chi phí cho công chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như kiến thức về chăm sóc cây lúa anh được các kỹ sư tư vấn kỹ và chỉ dẫn tận tình. Trong khi đó, những năm trước, vụ đông xuân cho thu hoạch cao nhất anh cũng chỉ đạt được hơn 7 tạ lúa/sào chi phí sản xuất cũng cao hơn.
Tương tự gia đình anh Tuấn, bà Đỗ Thị Hoài Phương cũng có 2,5ha lúa trên cánh đồng Bàu Kiên của ấp 8 lần đầu tiên áp dụng toàn bộ kỹ thuật theo hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp và đạt năng suất cao. Bà Phương cho biết, nhờ có sự hỗ trợ nên không chỉ riêng bà mà bà con nơi đây đều được tăng năng suất cây trồng và có thêm nhiều kiến thức. Bà Phương hào hứng kể, lúc trước, mỗi khi tới đợt dùng thuốc bảo vệ thực vật, bà đều dùng theo kinh nghiệm dân gian nên khá tốn thuốc, từ khi có kỹ sư, lượng thuốc sử dụng trong cây lúa giảm hơn 30% mỗi sào mà cây lúa vẫn tươi tốt, thậm chí năng suất cao hơn năm cũ. Nhờ có kỹ sư nên nông dân hiểu được đặc tính của từng loại bệnh và bệnh nào cần phun thuốc, bệnh nào không cần mà nó sẽ tự khỏi.
* Đồng hành với nông dân trong sản xuất
Là đơn vị đồng hành với bà con nông dân suốt thời gian qua, Tập đoàn Lộc Trời đã tăng cường 10 kỹ sư nông nghiệp, tư vấn dùng thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng công nghệ trong chăm sóc cây lúa. Ông Trần Quang Toàn, Phó giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (một bộ phận của Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, mục tiêu của công ty luôn muốn nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để bảo đảm sức khỏe và năng suất cao nhất. Ông Toàn mong muốn ngày càng nhiều nông dân tiếp cận những phương thức sản xuất theo công nghệ mới để tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe bản thân.
Đánh giá về những kết quả đạt được thời gian qua, ông Nguyễn Trường Giang, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Định Quán cho biết, qua theo dõi, phối hợp cùng người dân và doanh nghiệp cho thấy năng suất lúa đạt được của bà con sau khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cao hơn bình thường trong khi chi phí thấp hơn. “Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 5 ngàn ha đất trồng lúa. Với kết quả tốt như hiện nay, thời gian tới huyện sẽ hướng đến khuyến khích nông dân cùng nhau áp dụng mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để tăng chất lượng cho cây lúa cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân” - ông Giang chia sẻ thêm.
Phó giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời Trần Quang Toàn cho biết, mô hình sản xuất liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp các nông dân đạt năng suất lúa cao hơn 10-15%/ha. Chi phí sản xuất cho 1ha giảm khoảng 15-20% so với trước đây. Hiện tại, Lộc Trời đang thực hiện mô hình này đối với cây sầu riêng tại H.Xuân Lộc. Sắp tới, Lộc Trời sẽ tiếp tục áp dụng mô hình này đối với một loại cây trồng khác trên địa bàn H.Định Quán. Bên cạnh những chính sách chuyển giao kỹ thuật, Lộc Trời cũng cam kết thu mua, là nhịp cầu kết nối giữa nông dân và thị trường tiêu thụ đáng giá nhất. |
Ngọc Liên