Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng Việt cần không ngừng tự đổi mới mình để cạnh tranh. Đặc biệt, trong trạng thái "bình thường mới" như hiện nay, hàng hóa, sản phẩm Việt cần chủ động trước những xu hướng tiêu dùng mới để tạo được uy tín và nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng Việt cần không ngừng tự đổi mới mình để cạnh tranh. Đặc biệt, trong trạng thái “bình thường mới” như hiện nay, hàng hóa, sản phẩm Việt cần chủ động trước những xu hướng tiêu dùng mới để tạo được uy tín và nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) bên lề tọa đàm Khởi nghiệp doanh nghiệp trong giai đoạn “tiền vaccine” vào đầu tháng 4-2021. Ảnh: Lam Phương |
* Đa dạng hóa các kênh phân phối
Theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong tỉnh, trong thời gian qua, nhiều mặt hàng Việt luôn chiếm tỉ trọng cao từ 80-90% trên các kệ hàng, nhất là các ngành hàng như: đồ gia dụng, may mặc, các loại thực phẩm cần thiết, tiện lợi; các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe…
Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai chia sẻ, trước những tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các mặt hàng được sản xuất trong nước như: thực phẩm đóng gói, hàng tiêu dùng nhanh... Nguồn cung ứng các sản phẩm trong nước khá dồi dào, ngày càng được nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì.
Theo nhiều chuyên gia, để nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại, nhất là khi cạnh tranh trực tiếp trên các kệ hàng bán lẻ, bên cạnh việc phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, không ngừng cập nhật công nghệ, đổi mới mẫu mã, hàng Việt nói chung và hàng hóa địa phương nói riêng cần chủ động xây dựng các kênh phân phối, phản hồi dành cho người tiêu dùng để không bị bỏ lại trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt không chỉ ở những kênh phân phối truyền thống mà còn ở những kênh phân phối hiện đại, các sàn thương mại điện tử…
Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) cho biết, trong thời gian qua, sau những tác động của dịch Covid-19, công ty đã chủ động tăng cường các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động kích cầu tiêu dùng vào dịp này, cũng như triển khai đưa sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của công ty vào hệ thống siêu thị, hướng tới kết nối sản phẩm với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín để phát triển kinh doanh…
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tú Vy, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Triều An (TP.Biên Hòa) chia sẻ, công ty luôn chú trọng mở rộng các kênh phân phối, triển khai các chương trình kích cầu, khuyến mại nhất là các hoạt động quảng cáo trực tuyến. Đồng thời, chủ động hỗ trợ các nhà phân phối, đối tác các vật phẩm quảng bá như: dù, thùng đá, sản phẩm dùng thử… để mở rộng thị trường, nâng cao tính nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm nước giải khát của công ty.
* Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm Việt tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. (Ảnh: Lam Phương) |
Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2025 như: giữ thị phần hàng hóa Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% đối với các kênh truyền thống như: chợ, cửa hàng tạp hóa...; giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam…
Đề án cũng đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ chính cần thực hiện gồm: thông tin, truyền thông; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Tại buổi tọa đàm do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai và Tỉnh đoàn tổ chức vào đầu tháng 4-2021 với chủ đề Khởi nghiệp doanh nghiệp trong giai đoạn “tiền vaccine”, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển hướng phát triển các dòng sản phẩm đối với thị trường nội địa có nhiều tiềm năng và lợi thế trong bối cảnh “bình thường mới”. Khi người tiêu dùng ngày càng đón nhận hàng hóa trong nước sẽ thúc đẩy chủ động đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, nâng cao sức cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.
Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tăng cường khai thác thị trường trong nước để có đầu vào, đầu ra cho sản phẩm hàng hóa ổn định hơn, mở ra nhiều cơ hội trong kết nối cung - cầu.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương năm 2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ bình ổn thị trường trong nước; triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2021 theo kế hoạch chung của cả giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các điểm bán hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm nhằm tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng phân phối, tiêu thụ sản phẩm.. |
Lam Phương