Trong thời gian qua, giá xăng dầu liên tục ở mức cao. Trong đó, giá xăng E5 RON92 và xăng RON95 đang ở mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. Điều này đã tác động không nhỏ tới các loại hình dịch vụ vận tải, giao hàng...
Trong thời gian qua, giá xăng dầu liên tục ở mức cao. Trong đó, giá xăng E5 RON92 và xăng RON95 đang ở mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. Điều này đã tác động không nhỏ tới các loại hình dịch vụ vận tải, giao hàng...
Giá bán lẻ xăng tiếp tục tăng trong đợt điều chỉnh giá gần nhất vào cuối tháng 3-2021. Ảnh: Hải Quân |
* Đối mặt khó khăn “kép”
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh, nhóm giao thông là nhóm mặt hàng có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất với mức tăng 2,52% so với tháng trước, chủ yếu bởi tác động của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu do ảnh hưởng của giá dầu thế giới làm cho chỉ số nhóm nhiên liệu trong tháng tăng so với tháng trước...
Mới đây nhất, trong kỳ điều chỉnh giá bán lẻ ngày 27-3, giá xăng E5 RON92 tăng 129 đồng/lít, lên 17.851 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 165 đồng/lít, có giá tối đa 19.046 đồng/lít. Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng E5 RON92 đã tăng hơn 2,3 ngàn đồng/lít, xăng RON95 đã tăng hơn 2,5 ngàn đồng/lít.
Giá xăng dầu liên tục ở mức cao khiến cho hoạt động của nhiều loại hình dịch vụ vận tải, logistics... “khó càng thêm khó” bởi đã chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, giá xăng dầu tăng cùng với một số chi phí dịch vụ, cảng biển tăng đã tác động không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải, logistics trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vận tải mới chỉ có những dấu hiệu tích cực sau thời gian dài chịu nhiều tác động bởi diễn biến của dịch Covid-19.
Giám đốc một doanh nghiệp về logistics ở TP.Biên Hòa cho biết, giá xăng dầu tăng cao đã khiến chi phí vận hành “đội lên” thêm khoảng 15-20%. Để có được lợi nhuận trong giai đoạn này rất khó, hầu như công ty đang hoạt động với doanh thu ở mức hòa vốn trong thời gian gần đây.
Tương tự, đối với hoạt động vận tải hành khách, dịch vụ giao nhận hàng hóa, giá xăng dầu liên tục tăng ở những tháng gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp, HTX “thấp thỏm”.
Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất (H.Trảng Bom) cho biết, hoạt động vận tải hành khách của HTX đang gặp nhiều khó khăn khi lượng khách liên tục trồi sụt vì dịch Covid-19 cũng như giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng tới chi phí vận hành. Điều này buộc HTX phải “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Phạm Văn Hải (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) - nhân viên giao hàng của một sàn thương mại điện tử cho biết, với mỗi đơn hàng giao thành công, nhân viên giao hàng như ông sẽ được công ty trả khoảng 5-6 ngàn đồng, còn lại tiền xăng xe hay điện thoại phải tự chi trả. Do đó, giá xăng tăng mạnh trong thời gian gần đây đã tác động không nhỏ đến việc mưu sinh của ông. “Nghề giao hàng vốn vất vả vì thường xuyên dầm mưa dãi nắng, chờ đợi, gọi điện khách hàng mà chưa chắc đã giao hàng thành công... Hiện nay, tình hình xăng tăng liên tục mà tiền giao hàng vẫn không tăng, không có khoản hỗ trợ nào khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn” - ông Hải chia sẻ.
* Doanh nghiệp tìm đường vượt khó
Giá nhiều loại nhiên liệu liên tục tăng trong thời gian qua, cùng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã khiến không ít doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh lo lắng trong việc đảm bảo nguồn lợi nhuận, cân đối chi phí sản xuất, kinh doanh...
Một số đơn vị, doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án để hạn chế lỗ, đảm bảo hoạt động ổn định và cân đối các chi phí phát sinh để không tăng giá bán các loại sản phẩm, dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh (TP.Biên Hòa) chia sẻ, giá xăng dầu tăng cao khiến cho hoạt động kinh doanh các loại hình dịch vụ của công ty như: vận tải hành khách bằng xe limousine tuyến TP.Biên Hòa đi sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), cho thuê xe du lịch, tổ chức một số tour du lịch trong nước... gặp nhiều khó khăn. Công ty buộc phải cân đối các khoản chi phí phát sinh, gom thêm “đầu việc” cho nhân viên để giảm bớt nhân sự, tiết kiệm chi phí vận hành; đồng thời đảm bảo giữ nguyên giá vé, số chuyến hoạt động...
Ông Nguyễn Xuân Thiện chia sẻ thêm, hiện nay, doanh thu từ các dịch vụ xe đưa rước công nhân của HTX khá ổn định. Còn dịch vụ xe buýt, xe hợp đồng gặp nhiều khó khăn, HTX đang phải bù lỗ khoảng 20% khi giá xăng dầu tăng, có thời điểm HTX buộc phải cân đối, tính toán phương án giãn cách thời gian hoạt động giữa các chuyến một cách phù hợp để hạn chế mức lỗ.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi trên địa bàn trong tháng 3 vừa qua đạt hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước tính đạt khoảng 212 tỷ đồng, giảm 1,6% so với tháng trước, doanh thu vận tải hàng hóa ước tính hơn 941 tỷ đồng, giảm 1% so với tháng 2-2021. Tính chung trong quý I-2021, doanh thu từ hoạt động vận tải, kho bãi trong tỉnh ước đạt hơn 4,7 ngàn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách tăng khoảng 3,8%, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 4,4%... |
Hải Quân