Năm 2021, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục phát triển sau 1 năm đầy biến động vì dịch Covid-19, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để TMĐT đến gần hơn với người tiêu dùng.
Năm 2021, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều dư địa để phát triển sau 1 năm đầy biến động vì dịch Covid-19 đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để TMĐT đến gần hơn với người tiêu dùng.
Một lớp tập huấn về thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh do Sở Công thương tổ chức vào năm 2020. Ảnh: Hải Quân |
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh trong năm 2021. Trong đó, đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ để đẩy mạnh các giải pháp, chương trình trọng tâm trong việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh.
* Nằm trong tốp các địa phương có chỉ số TMĐT cao
Theo Báo cáo chỉ số TMĐT năm 2020 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), chỉ số TMĐT của Đồng Nai xếp hạng thứ 6 toàn quốc với 54,9 điểm, tăng 1 bậc so với kết quả công bố trong năm 2019.
Trong đó, 4 nhóm tiêu chí lớn để đánh giá chỉ số này gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch TMĐT doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp (G2B) đều có sự tăng trưởng khá tốt so với năm trước đó.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Vecom chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, năng động trong phát triển TMĐT. Trong thời gian qua, địa phương cùng với Vecom triển khai nhiều hoạt động kết nối, tập huấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về TMĐT, nhất là các hoạt động trao đổi, tư vấn, tập huấn kỹ năng về đưa sản phẩm lên sàn TMĐT lớn, xu hướng kinh doanh, quảng bá sản phẩm qua các kênh bán hàng qua mạng...
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong năm 2021, Đồng Nai phấn đấu tiếp tục giữ vững chỉ số xếp hạng TMĐT của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước, thu hẹp dần khoảng cách giữa các khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh về phát triển TMĐT. Đặc biệt, phấn đấu 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm (tương đương khoảng 8 triệu đồng/người/năm)…
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương năm 2021, ông Đặng Trần Nhật Thoại, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) chia sẻ, trong năm nay, ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp triển khai và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp thanh toán đảm bảo trong giao dịch TMĐT; hỗ trợ mở rộng mạng lưới trung tâm xử lý để doanh nghiệp chuyển sản phẩm đến tay khách hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn...
* Mong sớm ra mắt sàn TMĐT riêng
Trong thời gian qua, Sở Công thương đã tiến hành khảo sát ứng dụng TMĐT, tổng hợp cơ sở dữ liệu, nắm bắt thông tin đa chiều về thực trạng ứng dụng TMĐT của các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh. Dự kiến trong năm nay sẽ ra mắt Sàn TMĐT Đồng Nai.
Anh Tấn Sang (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi sinh sống ở TP.Biên Hòa nhưng hiện đang công tác tại TP.HCM, do đó việc sinh hoạt đi lại khá linh động. Tôi mong Đồng Nai sớm có một sàn TMĐT của tỉnh với nhiều mặt hàng, sản phẩm nổi bật, đặc sản của địa phương, đồng thời tích hợp nhiều dịch vụ trực tuyến như: giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa, thanh toán điện tử... Trong đó, cần nâng cao hiệu suất dịch vụ hướng tới nền tảng TMĐT di động, thuận tiện về không gian, thời gian dành cho người tiêu dùng”.
Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) chia sẻ, công ty hướng tới kết nối với các sàn TMĐT lớn, uy tín để phát triển kinh doanh. Trong đó, công ty mong muốn sàn giao dịch TMĐT của tỉnh sớm được ra mắt để có thêm kênh kết nối, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương nói chung và các sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của công ty nói riêng.
Kế hoạch của UBND tỉnh dự kiến tổ chức hội thảo ra mắt sàn giao dịch TMĐT và toàn cảnh TMĐT của tỉnh năm 2021 trong thời gian tới, cũng như đề ra mục tiêu Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh sau khi đưa vào hoạt động sẽ thu hút ít nhất 100 thương nhân trong tỉnh tham gia.
Ông Đặng Trần Nhật Thoại chia sẻ thêm, trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ thương nhân xây dựng thương hiệu trên môi trường internet thông qua marketing trực tuyến, tham gia giải pháp bán hàng trực tuyến; chọn các sản phẩm chủ lực, đặc sản, các sản phẩm OCOP… để tập trung hỗ trợ phát triển TMĐT, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa ra các sản phẩm khác.
Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh quảng bá, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hỗ trợ, liên kết website của doanh nghiệp địa phương tham gia Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh…
Hải Quân