Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tục cấp phép khai thác vật liệu san lấp: Cần được đơn giản hóa

11:03, 31/03/2021

Đồng Nai có trữ lượng vật liệu san lấp và nhu cầu sử dụng nhiều nhưng thủ tục cấp phép khai thác phức tạp nên khó thu hút các nhà đầu tư. Nhiều công trình, dự án đang có nguy cơ thiếu hụt vật liệu san lấp.

Đồng Nai có trữ lượng vật liệu san lấp và nhu cầu sử dụng nhiều nhưng thủ tục cấp phép khai thác phức tạp nên khó thu hút các nhà đầu tư. Nhiều công trình, dự án đang có nguy cơ thiếu hụt vật liệu san lấp.

Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: Ban Mai
Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: Ban Mai

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác vật liệu san lấp phục vụ các công trình trọng điểm của quốc gia trên địa bàn Đồng Nai.

* Thủ tục còn phức tạp

Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) cho rằng, Đồng Nai có trữ lượng đất, đá làm vật liệu san lấp lớn, khoảng 2.946 triệu m3 trữ lượng đá xây dựng, khoảng 543 triệu m3 đất sét. Hiện nay, các mỏ đá xây dựng lớn đã có nhà đầu tư, riêng các mỏ vật liệu san lấp (chủ yếu là đất) rất khó thu hút các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do các mỏ vật liệu san lấp quy mô nhỏ và vừa, thủ tục cấp phép phức tạp.

Cụ thể, về thủ tục, để được cấp phép khai thác vật liệu san lấp, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đủ 8 bước theo quy định về khoáng sản, môi trường, đất đai, đầu tư, xây dựng. Đó là, lập hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản; lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp; lập báo cáo kết quả thăm dò và trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản; lập hồ sơ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký Quỹ Bảo vệ môi trường; lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định chủ trương đầu tư; lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác; lập hồ sơ phê duyệt thiết kế mỏ; lập hồ sơ đất đai. Quá trình này mất nhiều thời gian, qua nhiều sở, ngành.

“Vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhưng thủ tục cấp phép y như các loại khoáng sản xây dựng khác trong khi các mỏ đa phần nhỏ, khoảng 2-5ha, độ dày tầng khai thác vật liệu san lấp sâu từ 3-10m. Nhiều nhà đầu tư mất cả năm để hoàn thiện các loại hồ sơ nhưng lại không thỏa thuận được giá bồi thường, mua bán vật liệu san lấp với người dân đành phải bỏ cuộc. Một số thỏa thuận được nhưng khối lượng vật liệu thu được không nhiều” - ông Nghĩa chia sẻ.

Theo quy định, các mỏ vật liệu san lấp sau khai thác phải hoàn trả mặt bằng, đảm bảo không ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất ban đầu, khác với mỏ đá trữ lượng lên đến hàng chục triệu m3, nhà đầu tư được khai thác sâu đến hàng trăm mét.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, theo Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT của Bộ TN-MT thì đất, đá làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 64 Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, tại điều khoản này, đất làm vật liệu không có tên trong danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2012 trong tiêu chí khoanh định đấu giá quyền khai thác không có vật liệu san lấp nhưng nghị định thay thế năm 2016 lại có vật liệu san lấp. Do đó, cơ quản lý cấp phép gặp khó khăn.

* Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang và sắp triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia như: đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành và nhiều dự án trọng điểm của tỉnh nên nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp là rất lớn.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, vật liệu san lấp tại chỗ và vận chuyển từ các tỉnh, thành khác về chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu, chủ yếu vẫn là khai thác đất từ các mỏ. “Hiện nay, một số gói thầu cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã xảy ra áp lực về vật liệu san lấp. Nếu không có cơ chế tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác, thời gian xử lý hồ sơ thì nguy cơ thiếu hụt vật liệu san lấp dẫn đến chậm tiến độ, đội chi phí ở các dự án lớn là khó tránh khỏi”. Đây cũng là giải pháp giảm khai thác tài nguyên trái phép, cải tạo đất nông nghiệp trá hình.

Trước những khó khăn trên, tháng 3-2021, Chủ tịch UBND tỉnh ký công văn số 2290/UBND-KTN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Công văn nêu rõ, việc cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp hiện nay phải thực hiện rất nhiều bước, các bước để hoàn thiện hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Nhiều nhà đầu tư không tham gia đầu tư hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp vì thủ tục phức tạp.

Để đảm bảo đủ vật liệu san lấp thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và công trình xây dựng của địa phương, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để thống nhất ban hành quy định về cấp giấy phép đất làm vật liệu san lấp sao cho vẫn đảm bảo việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn khai thác. Trước mắt, để đảm bảo cho các công trình đang thi công, cho tỉnh cấp phép hạ độ cao sử dụng vật liệu san lấp ở khu vực gò đồi có đất đạt yêu cầu kỹ thuật nhưng vẫn đảm bảo không thay đổi mục đích sử dụng đất, không làm thất thoát tài nguyên.

Ban Mai

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích