Chia sẻ tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh mới đây, bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường (QBVMT) tỉnh cho rằng, nhiều công trình, dự án về môi trường đang có nhu cầu vay vốn từ quỹ.
Chia sẻ tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh mới đây, bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường (QBVMT) tỉnh cho rằng, nhiều công trình, dự án về môi trường đang có nhu cầu vay vốn từ quỹ.
Doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai. Ảnh: H.LỘC |
Tuy nhiên, nguồn tài chính của quỹ có hạn nên đơn vị quản lý phải chia nhỏ tiền ra để cho vay.
* Nhu cầu vay lớn
Theo bà Nhung, mỗi năm đơn vị nhận hàng chục hồ sơ vay vốn, ít thì vài tỷ đồng, nhiều lên đến hàng trăm tỷ đồng. Lo ngại không được vay vốn, nhiều chủ đầu tư làm hồ sơ gửi trước cả năm để quỹ có thời gian thẩm định, xem xét. Năm 2020, quỹ nhận hơn 10 hồ sơ vay vốn. Trong đó, có hồ sơ đề xuất vay 500 tỷ đồng, sau khi cân đối tài chính của quỹ và số lượng các dự án đăng ký vay đầu năm, Hội đồng Quản lý của quỹ duyệt cho vay 50 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư từ chối vì số tiền được vay quá ít. Một dự án nhà máy xử lý nước thải công nghiệp cũng đề xuất vay 100 tỷ đồng, nhưng quỹ chỉ có thể cho vay 30 tỷ đồng, bằng hơn 20% giá trị đầu tư của cả dự án.
Ngoài nguồn QBVMT tỉnh còn có Quỹ Đầu tư phát triển Đồng Nai; quỹ từ các chương trình, dự án như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch; tín dụng xanh của các ngân hàng cũng cho vay dự án liên quan đến môi trường. |
“Các dự án đủ điều kiện, có thiện chí đều được vay vốn từ quỹ, tuy nhiên, có dự án từ chối vì nguồn vốn được phân bổ vay quá ít so với nhu cầu của họ” - bà Nhung cho hay.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT (đơn vị quản lý hoạt động của quỹ) cho rằng, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình, dự án xây mới, nâng cấp liên quan đến bảo vệ môi trường như: mua xe chở rác; đầu tư khu xử lý chất thải các loại; nâng công suất nhà máy xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt… Các công trình, dự án này đều có nhu cầu vay vốn QBVMT tỉnh vì các nguyên nhân: lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất ngân hàng thương mại; thời gian vay kéo dài đến 10 năm; có thể thanh toán dứt điểm nợ khi có đủ tài chính mà không bị phạt…
Tuy nhiên, do nguồn quỹ có hạn, Sở TN-MT chỉ đạo phải rà soát thật kỹ, hồ sơ, dự án cho vay phải được duyệt về đánh giá tác động môi trường, nằm trong danh mục dự án được vay theo quy định của tỉnh. Sau đó, cân đối và phân bổ số tiền vay hợp lý để tránh tình trạng dự án được vay nhiều, dự án lại không vay được.
* Ưu tiên doanh nghiệp và HTX vừa và nhỏ
Theo quy định của QBVMT tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, chủ đầu tư có công trình, dự án liên quan đến bảo vệ môi trường nằm trong danh mục hoạt động bảo vệ môi trường có tài sản thế chấp đều được vay vốn ưu đãi từ QBVMT.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, về quy trình, thủ tục vay hầu hết các chủ đầu tư đều đảm bảo điều kiện vay. Nhưng do nguồn quỹ có hạn, nên phải cân nhắc kỹ. Đối với các dự án có vốn đầu tư lớn, chủ đầu tư có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ bên ngoài tốt hơn thì nhường tiền vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX “yếu thế” hơn trong tiếp cận vốn ngân hàng. Điều này, vừa khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án cho bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo nhiều đối tượng được vay vốn từ quỹ.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm trên. Tuy nhiên, phía đơn vị quản lý quỹ cho rằng, các dự án vừa và nhỏ nhiều rủi ro do tài sản thế chấp là tài sản đầu tư (xe chở rác, máy móc và thiết bị sản xuất), quá trình sử dụng tài sản bị hao mòn, không còn giá trị. “Năm 2018, chúng tôi cho một HTX trên địa bàn H.Vĩnh Cửu vay vốn đầu tư xe chở rác. HTX này làm ăn không hiệu quả, vốn, lãi chưa thu hồi được. Bây giờ tịch thu tài sản là xe chở rác thì quỹ vẫn phải bù vốn” - Giám đốc QBVMT tỉnh Hoàng Thị Nhung chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, QBVMT tỉnh thiên về mục đích xã hội, hướng đến giá trị cộng đồng. Quỹ tồn tại nhờ nguồn kinh phí tỉnh cấp hằng năm, tiền đóng phí môi trường của các doanh nghiệp và thu lãi từ hoạt động cho vay. Nhiệm vụ của đơn vị quản lý quỹ là bảo toàn và phát triển vốn. Do đó, QBVMT tỉnh, các sở, ban, ngành là thành viên trong Hội đồng Quản lý quỹ phải rà soát thật kỹ các hồ sơ, đối tượng vay vốn, cân đối số tiền cho vay phù hợp với quy mô từng dự án. Ưu tiên các dự án mang tính cộng đồng, ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX không hoặc ít có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng thương mại.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng chỉ đạo Sở TM-MT nghiên cứu đề xuất quy hoạch khu tái chế chất thải. “Các cơ sở tái chế hiện nay đa phần tự phát, không có quản lý, không có đánh giá công nghệ. Kiểm tra đến đâu vi phạm môi trường đến đó. Cần phải quy hoạch khu tái chế chất thải gần khu xử lý rác tập trung. Khuyến khích doanh nghiệp tái chế chất thải bằng mặt bằng, vốn đầu tư cho công nghệ, có quản lý chặt chẽ” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh.
Theo quy định của QBVMT tỉnh, doanh nghiệp, HTX có các dự án liên quan đến bảo vệ, cải tạo môi trường như: vận chuyển và xử lý chất thải; phòng ngừa và cảnh báo sự cố môi trường; di dời cơ sở sản xuất, chăn nuôi đi nơi khác theo chỉ đạo của tỉnh; sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ TN-MT gắn Nhãn xanh Việt Nam; tái chế chất thải… được vay vốn QBVMT tỉnh. Số tiền vay tối đa là 70% giá trị dự án được duyệt, lãi suất bằng 50% lãi suất Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tại thời điểm vay. |
Hoàng Lộc