Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống dưới chân đồi và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20, tháng 9-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án Cấp bách xử lý sạt lở đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn (H.Tân Phú).
Để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống dưới chân đồi và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20, tháng 9-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án Cấp bách xử lý sạt lở đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn (H.Tân Phú).
Đất tràn ra quốc lộ 20 sau cơn mưa tối 21-3. Ảnh: CTV |
Sau 9 tháng thi công, chủ đầu tư đã xử lý được khoảng 5% tổng khối lượng đất cần phải bóc tách. Tuy nhiên, do vị trí sát quốc lộ 20, địa hình đồi dốc thẳng, chủ đầu tư chưa thực hiện theo thiết kế được duyệt, dự án xử lý sạt lở đồi lại gây ra sạt lở đất.
* Dự án cấp bách
Chia sẻ về dự án này, ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND H.Tân Phú cho biết, đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn đã có dấu hiệu sạt lở từ nhiều năm trước. Một vài hộ dân bị ảnh hưởng đã có đơn kiến nghị. Qua khảo sát thực tế, có 2 phương án được đưa ra là gia cố bằng cách kè đá ở chân đồi hoặc di dời người dân đi nơi khác. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều không khả thi vì chân đồi cách quốc lộ 20 chỉ vài chục mét, di dời người dân đi nơi khác vẫn xảy ra khả năng sạt lở đất ảnh hưởng đến giao thông. Còn kè gia cố thì cũng phải xử lý nền và kinh phí rất lớn. Huyện đề xuất tỉnh thực hiện dự án chống sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân và giao thông quốc lộ 20.
Ông Võ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật, thủy lợi (Sở NN-PTNT) cho rằng, dự án này là cần thiết và cấp bách để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân trong mùa mưa lũ. Khi đề xuất dự án đã có nhà đầu tư là Công ty TNHH Minh Minh Đạt (H.Tân Phú) đăng ký thực hiện.
Năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt dự án Cấp bách xử lý sạt lở đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn theo hình thức xã hội hóa, dự kiến thực hiện trong 3 năm (2018-2020). Đến năm 2019, tỉnh điều chỉnh quyết định gia hạn đến năm 2021. Dự án được chia làm 3 giai đoạn với tổng khối lượng đất bóc tách, cải tạo gần 200 ngàn m3. Quyết định yêu cầu chủ đầu tư phải lập giải pháp công trình, đảm bảo an toàn và tiến độ theo đúng cam kết, tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng và thủy lợi; Sở NN-PTNT chủ trì thẩm định hồ sơ thiết kế, kiểm tra, giám sát thi công. Ngoài ra, chủ đầu tư phải nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hoàn trả mặt bằng và trồng cây xanh theo mục đích sử dụng đất ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, ngay sau khi tỉnh phê duyệt dự án, người dân rất mừng. Xã đã tuyên truyền, vận động người dân hợp tác bàn giao mặt bằng để thi công. Xã còn cử người hỗ trợ phân luồng giao thông, vệ sinh đường để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tính đến ngày 1-3-2021, chủ đầu tư đã xử lý được khoảng 10 ngàn m3 đất, tương đương khoảng 5% tổng khối lượng đất cần phải bóc tách (199 ngàn m3).
* Cần đảm bảo an toàn thi công
Theo Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Nguyễn Văn Hướng, người dân ở khu vực này rất mong chờ dự án, hợp tác với chính quyền và chủ đầu tư, tuy nhiên, quá trình thi công nhà thầu chưa đảm bảo an toàn cho người dân và người tham gia giao thông trên Quốc lộ 20. Khu vực thuộc giai đoạn 1 có nguy cơ sạt lở nhất cần phải xử lý thì chủ đầu tư không làm mà thi công giai đoạn 3, để xảy ra tình trạng rơi vãi đất ra đường gây bụi.
Công trường dự án Cấp bách xử lý sạt lở đồi tại khu vực ấp Phú Lâm 3, xã Phú Lâm (H.Tân Phú). |
“Cuối năm 2020, xã có văn bản kiến nghị UBND huyện, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện làm việc với chủ đầu tư phải cắm mốc khu vực khai thác đất, thi công theo trình tự từ trên xuống để hạn chế sạt lở. Tháng 2-2021, huyện và Sở NN-PTNT làm việc với chủ đầu tư. Những tồn tại chỉ ra chưa khắc phục được thì một cơn mưa lớn chiều tối 21-3 đã làm nhiều khối đất lở, nước và bùn đất chảy tràn ra đường làm ảnh hưởng đến giao thông” - ông Hướng cho bay.
Theo biên bản làm việc giữa Sở NN-PTNT, UBND huyện và chủ đầu tư hồi cuối tháng 2-2021, có nhiều tồn tại ở dự án này. Cụ thể, biện pháp thi công của nhà thầu chưa thực hiện theo thiết kế được duyệt: đào mái thẳng đứng, chưa bạt mái taluy; chưa cắm mốc hiện trường theo thiết kế; chưa có đơn vị tư vấn giám sát thi công; chưa có bảng công khai công trình tại khu vực thi công; chưa bố trí người hướng dẫn giao thông trong quá trình vận chuyển đất từ công trình ra quốc lộ 20; chưa cắm biển báo nguy hiểm tại những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; nhà thầu thực hiện giai đoạn 3 trước giai đoạn 1, 2... Sở NN-PTNT yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục những tồn tại trên trước ngày 30-4, ngừng việc đào bới dưới chân đồi để tránh sạt lở.
“Biên bản làm việc mới được ban hành vào đầu tháng 3. Chúng tôi sẽ theo dõi việc khắc phục của nhà thầu; tăng cường kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp tổ chức thi công an toàn trong mùa mưa lũ. Chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn H.Tân Phú bổ sung tình huống ứng phó với thiên tai tại khu vực này. Cùng với đó yêu cầu địa phương theo dõi, đôn đốc nhà thầu khắc phục những thiếu sót, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thi công” - đại diện Sở NN-PTNT chia sẻ.
Chủ tịch UBND H.Tân Phú cho rằng, đây là dự án cấp bách, cần phải làm ngay để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện qua quốc lộ 20. Việc người dân bức xúc và sự cố tràn bùn, đất ra đường là do nhà thầu chưa thực hiện theo đúng thiết kế được duyệt. Cũng có nguyên nhân khách quan là vị trí công trường sát đường, đồi dốc thẳng nên khó kiểm soát bùn, đất khi có mưa lớn. Huyện sẽ chỉ đạo tăng cường nhân lực và xe hỗ trợ xịt rửa đường, phân luồng giao thông khi trời mưa. Đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công khắc phục ngay những tồn tại, bạt mái taluy giữ đất theo thiết kế, có phương án đảm bảo an toàn thi công.
Hoàng Lộc