Luật Đất đai có phạm vi bao trùm lớn nhất trong các luật của Việt Nam và liên quan đến đời sống của hầu hết người dân. Sau nhiều năm thực hiện, Luật Đất đai hiện nay đã có nhiều điểm bất cập nên Quốc hội dự tính sẽ sửa đổi luật.
Luật Đất đai có phạm vi bao trùm lớn nhất trong các luật của Việt Nam và liên quan đến đời sống của hầu hết người dân. Sau nhiều năm thực hiện, Luật Đất đai hiện nay đã có nhiều điểm bất cập nên Quốc hội dự tính sẽ sửa đổi luật. Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác đã có những góp ý bổ sung.
Huyện Cẩm Mỹ là nơi thực hiện nhiều dự án phải thu hồi diện tích đất lớn trong 5 năm tới. Huyện rất mong Luật Đất đai sớm sửa đổi để thuận lợi trong bồi thường thu hồi đất. Ảnh: KHÁNH MINH |
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao cho các địa phương phải tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Luật Đất đai trong 7 năm qua. Trong đó, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai của các sở, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp.
* Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn những bất cập, gây khó khăn cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng khiếu nại liên quan đến đất đai thường chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đơn khiếu kiện, khiếu nại. Nhiều vấn đề do Luật Đất đai, Nghị định 43 chưa quy định rõ ràng nên các địa phương gặp vướng mắc trong giải quyết các thủ tục về đất đai.
Đơn cử nhiều trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để kinh doanh cơ sở hạ tầng như: khu nông nghiệp công nghệ cao, cụm làng nghề..., Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc xử lý xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bên thuê lại đất. Các trường hợp lấn chiếm đất của nông, lâm trường quy định tại Khoản 2, Điều 22 chỉ xem xét là không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công cộng sẽ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ là chưa phù hợp và không đảm bảo công bằng so với trường hợp sử dụng đất quy định tại các điều 20, 22, 23 và trái với quy định tại Điều 46 của Nghị định 43 là đất nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng thì phải thu hồi và lập phương án sử dụng đất. Luật Đất đai chưa có quy định và hướng dẫn rõ ràng về chuyển nhượng một phần dự án đầu tư. Đến nay, chưa có hướng dẫn trong việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất với quỹ đất thu hồi của các nông, lâm trường giao cho địa phương quản lý cũng như việc áp dụng pháp luật trong giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, xác định thời điểm sử dụng đất để tính toán nghĩa vụ tài chính. Các tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án nhưng vì lý do nào đó không được phép tiếp tục thực hiện dự án thì QSDĐ được xử lý như thế nào? Khi đất hết thời hạn sử dụng việc gia hạn chưa có quy định cụ thể. Đất phát triển dự án trong một số trường hợp có đấu giá hay không... Những vướng mắc trên Đồng Nai đang gặp phải khá nhiều và chưa có hướng giải quyết.
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết: “Có rất nhiều bất cập trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai do Luật Đất đai chưa quy định rõ ràng. Các vướng mắc về đất đai không giải quyết được cản trở rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, các huyện, thành phố rà soát tất cả những bất cập liên quan đến đất đai gửi về Sở TN-MT tổng hợp kiến nghị Bộ TN-MT điều chỉnh trong Luật Đất đai”.
* Sửa Luật Đất đai sát với thực tế
Đồng Nai là nơi có diện tích đất đai khá lớn với 586.362ha, trong đó nhiều nhất là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở, đất công nghiệp, sản xuất kinh doanh, công trình hạ tầng... Tỉnh là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư dự án trên các lĩnh vực. Quá trình thực hiện các dự án thường có liên quan đến đất đai chưa tháo gỡ được do trong Luật Đất đai, Nghị định 43 chưa nêu rõ và không có hướng dẫn cụ thể. Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Phạm Việt Phương đề xuất: “Trong Luật Đất đai nên có quy định rõ ràng về thẩm định giá, đấu giá QSDĐ, tính toán bồi thường thu hồi đất còn nhiều bất cập cần sửa đổi bổ sung. Các vấn đề trên hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến địa phương trong việc triển khai nhiều dự án”.
Lãnh đạo nhiều huyện trên địa bàn tỉnh cũng góp ý Luật Đất đai nên quy định chi tiết về các dự án chuyển nhượng một phần và cho gia hạn QSDĐ cho các trường hợp chuyển nhượng QSDĐ không phải do Nhà nước giao đất. Quy định chặt chẽ với các trường hợp xin cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ để tránh tình trạng người dân đã sang nhượng, thế chấp vẫn kê khai xin cấp lại dẫn đến phát sinh những vấn đề phức tạp.
Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh thì đề nghị, trong Luật Đất đai nên sửa đổi bổ sung thêm phần chuyển mục đích sử dụng đất lúa cho phù hợp. Trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ thực hiện nhiều dự án liên quan đến đất lúa cần phải chuyển đổi, nếu khó khăn này không được tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.
Theo đại diện của TAND tỉnh, Thanh tra tỉnh, thời gian qua các án, khiếu nại, tranh chấp liên quan đến đất đai rất nhiều. Đặc biệt là trên lĩnh vực bồi thường, thu hồi đất, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Luật Đất đai phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế để hạn chế bớt những tranh chấp, kiện tụng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi khẳng định: “Luật Đất đai có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến các cơ quan chức năng, người dân. Trong 7 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai, các địa phương, sở, ngành đã phát sinh nhiều vướng mắc chưa giải quyết được. Vì thế, dịp này các sở, ngành, địa phương phải rà soát lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để tổng hợp những góp ý từ đó có kiến nghị Bộ TN-MT cập nhật, điều chỉnh trong Luật Đất đai. Như vậy khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua đưa vào thực hiện sẽ phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.
Khánh Minh