Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu công nghiệp Thạnh Phú: Nhiều năm chưa xong bồi thường

04:03, 10/03/2021

Khu công nghiệp (KCN) Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) được thành lập từ năm 2006, với tổng diện tích hơn 177ha. Qua nhiều năm được thành lập và đi vào hoạt động, nhưng đến nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của KCN vẫn chưa hoàn thành. Do đó, KCN vẫn chưa phát huy hết được hiệu quả trong thu hút đầu tư.

Khu công nghiệp (KCN) Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) được thành lập từ năm 2006, với tổng diện tích hơn 177ha. Qua nhiều năm được thành lập và đi vào hoạt động, nhưng đến nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của KCN vẫn chưa hoàn thành. Do đó, KCN vẫn chưa phát huy hết được hiệu quả trong thu hút đầu tư.

Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) nhiều năm chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng
Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) nhiều năm chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng. Ảnh: H.GIANG

Cuối năm 2007, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4190/QĐ-UBND và Quyết định số 4191/QĐ-UBND về công tác bồi thường thu hồi đất để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Thạnh Phú. Trước đây, chủ đầu tư hạ tầng KCN Thạnh Phú là Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai và sau này chuyển lại cho Công ty CP Sonadezi Long Bình.

* Kéo dài nhiều năm

Theo Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Trần Dương Hùng, từ năm 2010-2013, H.Vĩnh Cửu đã phê duyệt bồi thường cho 371 hồ sơ với diện tích hơn 108ha. Sau đó, huyện đã chi trả bồi thường cho 169 hộ gia đình, cá nhân và hoàn tất bàn giao mặt bằng gần 62ha cho chủ đầu tư. Hiện còn tồn tại, vướng mắc 207 hộ trên diện tích gần 47ha. Trong các hộ còn vướng mắc hơn một nửa là do doanh nghiệp đầu tư hạ tầng không có kinh phí chi trả trước ngày 1-7-2014. Còn lại khoảng 53 hộ có diện tích gần 5ha, chủ đầu tư đã chuyển tiền nhưng người dân chưa nhận, vì cho là giá bồi thường quá thấp. Một số hộ dân đã có đơn khiếu nại lên huyện, tỉnh về giá bồi thường thấp. Những năm qua, huyện, tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, công ty đầu tư hạ tầng KCN Thạnh Phú để giải quyết những vướng mắc nhưng đến nay việc bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn ngổn ngang.

Theo Sở TN-MT, dự án KCN Thạnh Phú phải thu hồi gần 114ha của 377 hộ gia đình, cá nhân và 9 đơn vị. Diện tích đất bị thu hồi chủ yếu thuộc địa bàn xã Thạnh Phú và có gần 0,7ha của P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, nguyên nhân khiến việc bồi thường giải phóng mặt bằng ở KCN Thạnh Phú kéo dài là do chủ đầu tư ban đầu không đảm bảo năng lực tài chính. Sau khi chuyển giao chủ đầu tư mới là Công ty CP Sonadezi Long Bình thì lại vướng về giá bồi thường và nhiều hộ gia đình chưa đồng thuận nhận tiền, giao đất. “Hiện nay, giá đất ở xã Thạnh Phú và P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) tăng khá cao và người dân về đây mua đất sinh sống ngày một đông. Vì thế, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho KCN càng để lâu càng khó giải quyết. H.Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa phải phân loại từng trường hợp có biện pháp xử lý kịp thời trên cơ sở có lợi cho người dân bị thu hồi đất thì mới nhanh chóng hoàn thành công tác bồi thường” - ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN-MT nhấn mạnh.

* Tìm cách gỡ khó

Phó tổng giám đốc Công ty CP Sonadezi Long Bình Nguyễn Bá Chuyên cho hay, hiện nay, công ty đã chuẩn bị nguồn kinh phí đầy đủ để đáp ứng kịp thời việc chi trả bồi thường cho các hộ dân khi thu hồi đất. Do đó, công ty mong tỉnh và H.Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa hỗ trợ trong thu hồi đất để sớm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng KCN Thạnh Phú nhằm thu hút nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đang muốn vào thuê đất xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, Phó giám đốc Sở Tài chính Lê Văn Thư đề xuất: “Các hộ gia đình, cá nhân chưa nhận tiền bồi thường từ năm 2014 đến nay, phải tính toán lại số tiền bồi thường cho phù hợp. Điều này khó tránh khỏi thắc mắc của những hộ dân đã nhận bồi thường và giao đất trước đây để làm hạ tầng KCN Thạnh Phú. H.Vĩnh Cửu phải chú ý làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tránh khiếu nại”.

Thực tế, đất đai khu vực quy hoạch làm KCN Thạnh Phú thời gian qua có rất nhiều biến động, giá đất tăng 2-3 lần so với 4-5 năm trước. Trong đó, có một số trường hợp đã mua bán, chuyển nhượng đất đai, muốn thu hồi đất khu vực này là việc không dễ. Nếu không có sự linh hoạt trong giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ rất khó khăn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức lưu ý: “Trước khi tiến hành thu hồi đất, H.Vĩnh Cửu phải rà soát lại để chuẩn bị khu tái định cư, bố trí cho những hộ dân bị giải tỏa trắng đủ điều kiện nhận tái định cư. Bên cạnh đó, chủ đầu tư chuẩn bị tiền thanh toán kịp thời cho người dân khi họ đồng thuận nhận tiền và giao đất”. Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, dự án này đã kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên trong năm 2021, H.Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa cố gắng hoàn thành công tác bồi thường để giao đất sạch cho chủ đầu tư hoàn thành hạ tầng dự án.

Hương Giang

Tin xem nhiều