Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp muốn tham gia các dự án của tỉnh

11:03, 03/03/2021

Là địa phương có nhiều dự án xây dựng, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên sức hút trong lĩnh vực này của Đồng Nai là rất lớn. Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, nhất là DN nhỏ và vừa, họ rất mong muốn được đồng hành với địa phương.

Là địa phương có nhiều dự án xây dựng, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên sức hút trong lĩnh vực này của Đồng Nai là rất lớn. Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, nhất là DN nhỏ và vừa, họ rất mong muốn được đồng hành với địa phương.

Tham gia vào các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội... là mong muốn của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh. Trong ảnh: Thi công các hạng mục trong khu tái định cư phục vụ dự án sân bay quốc tế Long Thành (ảnh minh họa)
Tham gia vào các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội... là mong muốn của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh. Trong ảnh: Thi công các hạng mục trong khu tái định cư phục vụ dự án sân bay quốc tế Long Thành (ảnh minh họa). Ảnh: Văn Gia

Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nhiều DN đề nghị cần có cơ chế, chính sách riêng để có thể trực tiếp tham gia vào các dự án.

* DN mong có cơ chế để tiếp cận các dự án

Theo một số DN, vừa qua, UBND tỉnh tổ chức đấu giá một số khu đất lớn vài trăm ha để làm khu dân cư, khu đô thị và các dự án khác. Để DN trong tỉnh có thể tham gia được, tỉnh nên nghiên cứu và nếu có dự án phù hợp, có thể chia thành các phân khu từ 10-15ha cho các DN tham gia đấu giá. Ngoài ra, nhiều DN cũng mong muốn UBND tỉnh nghiên cứu cho các DN nhỏ và vừa có trụ sở, mã số thuế ở Đồng Nai, đặc biệt là các hội viên Hội Doanh nhân trẻ và Hiệp hội DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tại Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, trường học, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, DN khởi nghiệp sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao...

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng cho rằng, về đấu thầu xây dựng cơ bản kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tách các gói thầu có quy mô giá trị xây dựng từ 500-600 tỷ đồng cho một số DN trong tỉnh tham gia đấu thầu. Trong đó, DN của tỉnh quan tâm đến các dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên nhìn chung quy mô các dự án lại lớn hơn so với năng lực đáp ứng của DN. Hiện tại, các dự án quy mô lớn từ 1,4-2 ngàn tỷ đồng, nhiều DN không đủ khả năng tham gia đấu thầu mà chủ yếu dành cho DN ngoài tỉnh và DN nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Hữu Thật, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Diệp Nam Phương, do nguồn lực có hạn nên bên cạnh sự liên kết, hợp tác cùng nhau phát triển, DN trong tỉnh mong muốn có cơ chế, chính sách để ưu đãi, giúp DN có khả năng cạnh tranh được với các đơn vị khác trong nước và với DN nước ngoài trong đấu thầu xây dựng cơ bản.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm nhận định, cộng đồng DN trong tỉnh hiện nay khá đông đảo, có mặt ở hầu hết các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, DN nhận thấy được các lợi thế của địa phương và mong muốn tham gia, đồng hành cùng chính quyền trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó nhiều DN, nhất là DN hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, bất động sản... mong muốn được hỗ trợ để tham gia đấu thầu các dự án phát triển của tỉnh. Khi được hỗ trợ, DN sẽ có cơ hội để thực hiện các mục tiêu của mình, tạo động lực phát triển mạnh hơn trong tương lai.

* Hỗ trợ, nhưng phải đúng luật

Trả lời ý kiến này của DN, Sở KH-ĐT cho hay, hiện nay việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện một cách công khai trên mạng đấu thầu quốc gia và báo đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định khác của pháp luật.

Khi thông tin được đăng tải một cách công khai thì tất cả các nhà thầu đều có quyền tham dự, không hạn chế vùng miền. Tại khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất kỳ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. Do đó, việc tạo lợi thế cho một số DN trong tỉnh tham gia đấu thầu là trái với quy định của pháp luật về đấu thầu. Điều đó có nghĩa là việc tách các gói thầu có quy mô nhỏ, giá trị xây dựng từ 500-600 tỷ đồng cho một số DN trong tỉnh tham gia đấu thầu là việc không thể triển khai thực hiện.

Cũng theo Sở KH-ĐT, các DN trong tỉnh nếu chưa đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội hoặc các gói thầu xây dựng cơ bản thì có thể liên danh với nhau để tăng năng lực đáp ứng hoặc liên danh với các nhà thầu khác trong cả nước.

Trước sự quan tâm, mong mỏi của cộng đồng DN trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận định, cơ hội phát triển trước mắt và cả lâu dài của Đồng Nai là rất lớn, nhất là các lĩnh vực hạ tầng, xây dựng cơ bản và những dịch vụ đi kèm. Do vậy, DN cần nắm bắt thông tin, chủ động liên hệ với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh để tiếp cận và có định hướng phát triển phù hợp với nhiệm vụ chung của tỉnh.

Riêng đối với cộng đồng DN, lãnh đạo tỉnh cho rằng sẽ tạo mọi điều kiện phát triển và có các giải pháp để giúp DN phát triển. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đến từ địa phương cho các DN cũng phải tuân thủ luật định, trong đó có vấn đề đấu thầu xây dựng các dự án hạ tầng kinh tế, xã hội. Về phía địa phương, các hỗ trợ tốt nhất hiện nay là tạo điều kiện để DN trong tỉnh nắm bắt thông tin về các dự án một cách sớm nhất có thể. Địa phương cũng sẵn sàng là cầu nối để DN trong tỉnh liên kết, liên doanh lại với nhau, liên danh với các nhà đầu tư khác thực hiện toàn bộ hoặc một phần các dự án theo thỏa thuận...

Văn Gia

 

Tin xem nhiều