Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến giao thương của Việt Nam với các nước trên thế giới bị hạn chế, ảnh hưởng nặng nề đến xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để duy trì sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) đã chuyển qua giao thương trực tuyến.
Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến giao thương của Việt Nam với các nước trên thế giới bị hạn chế, ảnh hưởng nặng nề đến xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để duy trì sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) đã chuyển qua giao thương trực tuyến.
Sản xuất gốm sứ xuất khẩu ở Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ, Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang |
Đồng Nai nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút đầu tư FDI và xuất nhập khẩu, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng ngàn DN trong tỉnh gặp khó khăn. Tuy nhiên, có những DN vẫn tìm được cơ hội ngay trong rủi ro nhờ trao đổi trực tuyến với khách hàng cung ứng nguyên liệu và đối tác mua sản phẩm.
* Thêm đơn hàng để sản xuất
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, giao thương với nhiều nước vẫn khó khăn, nhưng nhiều DN ở Đồng Nai thông qua hình thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm trực tuyến đã nhận được các đơn hàng lớn, đảm bảo cho sản xuất, xuất khẩu. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước, có nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2021.
Ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) cho biết: “Trước đây khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, tôi thường đưa các mẫu thiết kế gốm ra nước ngoài để giới thiệu cho các khách hàng quen và tìm thêm khách hàng mới. Thế nhưng, từ khi xảy ra dịch bệnh, việc đi lại khó khăn, tôi liên hệ, trao đổi với khách hàng bằng hình thức trực tuyến. Với khách hàng lâu năm thì việc này dễ dàng hơn, còn khách hàng mới thì phải chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng hơn mới thuyết phục được họ”.
Cũng theo ông Sơn, ngoài giới thiệu các mặt hàng gốm sẵn có, ông còn tư vấn thêm cho họ việc lựa chọn những sản phẩm phù hợp với trào lưu, nội thất, màu sắc của căn nhà hoặc sân vườn... Do đó, từ cuối năm 2020 đến nay, công ty nhận được nhiều đơn hàng và không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh việc tìm đối tác trong và ngoài nước qua trao đổi trực tuyến, để hạn chế đi lại, đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, các DN còn thông qua hình thức này để gặp gỡ, đàm phán với nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho sản xuất.
Phó tổng giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Hội đồng phát triển nguồn cung ứng bền vững Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 Chamnan Wangakkarangkul cho hay: “Công ty vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 70 khách hàng là những nhà cung ứng sản phẩm cho công ty, nhằm trao đổi, thống nhất để việc liên kết thuận lợi. Vì nhà cung cấp được xem là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng để tạo ra sản phẩm và sự thành công cho C.P. Hội nghị hỗ trợ mở rộng cơ hội kinh doanh của C.P. với nhà cung cấp và các tổ chức đối tác hàng đầu khác”.
* Không bị gián đoạn thu hút FDI
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, việc tổ chức những đoàn đi xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài của Đồng Nai đều phải dừng lại. Để việc thu hút đầu tư FDI không bị gián đoạn, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, một số sở, ngành thông qua trao đổi trực tuyến, hỗ trợ DN FDI thông tin, thủ tục để tiến hành mở rộng đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Tổ phó thường trực Tổ điều phối viên Bàn Kansai chia sẻ: “Từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19, việc xúc tiến đầu tư với DN Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Bàn Kansai của tỉnh thường xuyên họp trực tuyến với phía các DN Nhật Bản để hỗ trợ thông tin, thủ tục cho những DN đang có ý định đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào Đồng Nai. Thông qua trao đổi trực tuyến, nhiều DN Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư, đầu tư mới vào tỉnh”.
Trao đổi trực tuyến góp phần cho thu hút đầu tư FDI của tỉnh trong năm 2020 đạt gần 1,4 tỷ USD, vượt kế hoạch gần 40%. Trong 2 tháng đầu năm nay, thu hút FDI hơn 300 triệu USD.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, năm 2021 tỉnh tiếp tục khai thác lợi thế về giao lưu trực tuyến để thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái và hạ tầng kỹ thuật.
Thời gian qua, tỉnh đã kết nối với Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, các hiệp hội, tổ chức tham gia các hội nghị trực tuyến trong nước, nước ngoài để gặp gỡ, đàm phán với các đối tác nước ngoài nhằm mời gọi đầu tư. Thông qua hình thức này, các tỉnh, thành, DN giảm được nhiều chi phí trong đi lại mà vẫn tìm được khách hàng ký kết đơn hàng đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn do đại dịch để tiếp tục phát triển bền vững.
Hương Giang