Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có luật để quản lý khu công nghiệp

04:03, 24/03/2021

Hiện nay, cả nước có gần 350 khu công nghiệp (KCN), trong đó gần 280 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN đóng góp khá lớn cho GDP của Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa có Luật KCN. Vì vậy, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác có công nghiệp phát triển đều mong sớm có Luật KCN để vận hành tốt hơn.

Hiện nay, cả nước có gần 350 khu công nghiệp (KCN), trong đó gần 280 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN đóng góp khá lớn cho GDP của Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa có Luật KCN. Vì vậy, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác có công nghiệp phát triển đều mong sớm có Luật KCN để vận hành tốt hơn.

Huyện Nhơn Trạch là nơi có nhiều khu công nghiệp nhất tỉnh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3
Huyện Nhơn Trạch là nơi có nhiều khu công nghiệp nhất tỉnh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3

Trong quy hoạch các KCN Việt Nam, Đồng Nai có 39 KCN với tổng diện tích khoảng 17 ngàn ha. Đến nay, đã có 31 KCN đi vào hoạt động, thu hút gần 1,9 ngàn dự án của doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

* Còn nhiều bất cập khi chưa có Luật KCN

Vì chưa có Luật KCN nên các hoạt động trong các KCN chủ yếu dựa vào các luật như: xây dựng, đầu tư, môi trường, lao động, đất đai... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các luật trên có những điểm chưa thống nhất nên công tác quản lý nhà nước trong các KCN còn nhiều bất cập. Điều này gây ra khó khăn cho các DN trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của các DN trong KCN.

Thời gian qua, quản lý, hoạt động của các KCN chủ yếu dựa vào Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý và hoạt động của các DN trong KCN xảy ra những bất cập do các quy định của những luật trên chưa nêu rõ, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan quản lý của Nhà nước và DN. Hiện nay, các KCN ở Đồng Nai cũng như cả nước mở ra ngày một nhiều nên rất cần có Luật KCN để đảm bảo cho các KCN phát triển bền vững, hướng đến hình thành các KCN xanh.

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đánh giá, vì chưa có Luật KCN nên các KCN đang hoạt động dựa vào các luật khác và do đó còn nhiều hạn chế. Đơn cử như khi một số KCN đi vào hoạt động, thấy có nhiều DN thứ cấp thuê đất thì đẩy giá đất cho thuê lên cao, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của tỉnh. Cũng có những trường hợp DN trả tiền thuê đất hằng năm, công ty hạ tầng lại điều chỉnh tăng qua từng năm khiến DN gặp khó khăn vì DN đã đầu tư nguồn vốn lớn vào xây dựng nhà xưởng, nên dù giá thuê đất trong KCN tăng cao cũng buộc phải chấp nhận. Vấn đề này, DN có phản ánh với Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, nhưng ban cũng chỉ có thể nhắc nhở các công ty hạ tầng, còn việc giữ nguyên giá cho thuê đất hay tiếp tục tăng thì không thể can thiệp... “Nếu có Luật KCN quy định rõ ràng từng vấn đề liên quan đến hoạt động trong KCN thì công tác quản lý và DN hoạt động sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, cũng gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất” - Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Lê Văn Danh chia sẻ.

Không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành khác trong cả nước sẽ tiếp tục thành lập thêm các KCN mới để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ là tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và giảm sản xuất nông, lâm nghiệp. Muốn các KCN hoạt động hiệu quả, tránh được những bất cập trong quản lý và hoạt động rất cần có Luật KCN để hạn chế được những kẽ hở mà các luật khác chưa đề cập đến.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT Trần Vũ Hoài Hạ nhận xét: “Địa giới hoạt động của các KCN riêng biệt nên cần có Luật KCN để quản lý, điều hành được thuận lợi hơn. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành nhanh chóng thành lập các KCN đã được Chính phủ phê duyệt để mở rộng sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh”.

* Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Tính đến cuối tháng 3-2021, các KCN ở Đồng Nai đã thu hút DN của 41 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào. Trong đó, có khoảng 1.362 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 27 tỷ USD và 522 dự án trong nước có tổng vốn đầu tư gần 68,7 ngàn tỷ đồng. Các ngành nghề đầu tư vào KCN rất đa dạng với nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng có 4 ngành thu hút vốn đầu tư lớn nhất là dệt may, cơ khí, sản xuất cao su và plastic.

Tới đây, khi nhiều KCN của tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động sẽ thu hút được nhiều DN trong nước, nước ngoài. Do đó, các KCN rất cần có Luật KCN làm nền tảng để tạo sự ổn định về cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và DN trong KCN.

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai cho hay: “DN Hàn Quốc đầu tư vào các KCN của Đồng Nai hơn 370 dự án với tổng vốn gần 6,2 tỷ USD. Trong năm nay và các năm tới, các DN Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh, lĩnh vực thu hút vốn lớn vẫn là công nghiệp. DN Hàn Quốc mong có Luật KCN quy định rõ ràng để đảm bảo cho DN hoạt động hiệu quả, giảm bớt các rủi ro, vướng mắc”. Cũng theo ông Park Hyun Bae, khoảng 5 năm trở lại đây, các DN Hàn Quốc “tăng tốc” đầu tư vào Việt Nam cũng như Đồng Nai vì hội nhập nhanh, các chính sách thường xuyên được sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi cho DN.

Tỉnh đã có đề xuất Chính phủ quy định rõ việc phân cấp, phân quyền thực hiện quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trong các KCN theo cơ chế một cửa tại chỗ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Các DN hoạt động tốt sẽ đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước, nâng cao thu nhập của hàng trăm ngàn người lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Tới đây, tỉnh sẽ tham mưu Chính phủ sớm xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật KCN để góp phần phát triển công nghiệp của Đồng Nai cũng như cả nước. Mục tiêu là đơn giản các thủ tục, tạo môi trường thông thoáng cho DN trong nước, nước ngoài hoạt động hiệu quả”.

Hương Giang

Tin xem nhiều