Báo Đồng Nai điện tử
En

Các FTA giúp xuất khẩu của Đồng Nai khởi sắc

03:03, 02/03/2021

Nhờ vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Đồng Nai trong bối cảnh giao thương với nhiều nước vẫn chưa trở lại bình thường.

Các doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Ảnh: U.NHI
Các doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Ảnh: U.NHI

Theo Bộ Công thương, đến nay, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và có hiệu lực. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn đang tiếp tục đàm phán thêm 3 FTA khác. Việt Nam hiện là một trong những nước dẫn đầu thế giới về mức độ tham gia vào hội nhập sâu và ký kết nhiều hiệp định thương mại.

* Xuất khẩu tăng trưởng cao

Trên tổng thể 13 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Đồng Nai thì 12 ngành có mức tăng trưởng khá cao, từ 13-296% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, chỉ riêng dệt may giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước còn các ngành khác phục hồi sản xuất và tăng trưởng khá nhanh. Hai tháng đầu năm 2021, giày dép dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu với gần 794 triệu USD, tăng hơn 17%; tiếp đến là máy móc thiết bị phụ tùng gần 350 triệu USD, tăng hơn 33%; sản phẩm gỗ 339 triệu USD, tăng 56,4%. Bên cạnh đó, những nhóm hàng khác như: máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, xơ sợi dệt, phương tiện vận tải và phụ tùng, sản phẩm từ chất dẻo... cũng có bước tăng trưởng khá.

Tuy giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng của năm 2021 tăng 5,12% nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng cao là do lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu được. Thị trường xuất khẩu chính của Đồng Nai là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, các DN trên địa bàn tỉnh còn xuất khẩu vào gần 170 quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Ông Shiba Yuichi, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Sopet Gas One (H.Nhơn Trạch) cho biết: “Nhiều đơn hàng từ nước ngoài đã dịch chuyển về Việt Nam và Đồng Nai nên xuất khẩu tăng. Các khách hàng nước ngoài dịch chuyển đơn hàng về Đồng Nai là do các DN trên địa bàn tỉnh có thể sản xuất được những đơn hàng khó, trong thời gian ngắn”.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chiếm hơn 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong gần 2 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu gần 3 tỷ USD, riêng Đồng Nai gần 1 tỷ USD.

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhất Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho hay: “Từ cuối năm 2020, ngành sản xuất gỗ đã có sự bứt phá trở lại bằng cách khai thông được các đơn hàng của những thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới. Do đó, công ty đảm bảo được sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng khá so với cùng thời điểm năm trước”. Cũng theo ông Bình, công ty Nhất Nam cũng như nhiều công ty khác trên cùng lĩnh vực rất chú trọng mở thêm những thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA để hưởng các ưu đãi về thuế quan, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.

* FTA mở đường cho xuất khẩu

Trong 13 FTA đã ký kết thì với 3 FTA có quy mô lớn nhất thế giới, Việt Nam đều tham gia là: Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định trên mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời, các khách hàng nước ngoài cũng có xu hướng dịch chuyển đơn hàng về nước ta nhiều hơn để sản xuất, xuất khẩu sẽ miễn, giảm thuế.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam nhận định: “CPTPP, EVFTA và RCEP đã tạo ra cơ hội rất lớn cho DN phải Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong khối. Tuy nhiên, muốn hưởng các ưu đãi về thuế quan, DN đáp ứng được những quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Những DN có xuất khẩu lớn vào các nước có tham gia FTA đều đã có sự chuẩn bị từ trước nên khi hiệp định có hiệu lực có thể hưởng các ưu đãi”.

Các DN tại Đồng Nai cũng tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA mang lại, hàng hóa xuất khẩu vào các nước trong CPTPP, EVFTA, RCEP trong thời gian qua tăng nhanh. Cụ thể, 3 thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều có mặt trong FTA Việt Nam đã ký kết.

Theo Sở Công thương, năm 2021, Đồng Nai sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết FTA để hưởng những ưu đãi về thuế quan. Kế hoạch của tỉnh là kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng 8,1-8,5% so với năm 2020. Tuy nhiên, với số lượng đơn đặt hàng tiếp tục về Đồng Nai như 2 tháng đầu năm và tiếp tục tăng thì kim ngạch xuất khẩu có thể vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Uyển Nhi

 

Tin xem nhiều