Ngay từ những tháng đầu năm 2021, nhất là cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng chức năng đã chủ động đẩy mạnh công tác kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi…
Ngay từ những tháng đầu năm 2021, nhất là cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng chức năng đã chủ động đẩy mạnh công tác kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó có nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi…
Lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra kho hàng, niêm phong, tạm giữ các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm về hạn sử dụng của một công ty có địa chỉ sản xuất ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 vào ngày 28-1. Ảnh: L.Phương |
* Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai, trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường trong tỉnh đã phát hiện, xử lý gần 1,4 ngàn vụ vi phạm với tổng số tiền thu phạt hơn 6,3 tỷ đồng. Riêng trong tháng 1-2021 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đã tiến hành kiểm tra 107 trường hợp, trong đó xử lý 100 vụ vi phạm. Trong đó, có 34 vụ phải tiến hành tịch thu hàng hóa vi phạm với gần 5 ngàn sản phẩm hàng hóa vi phạm các loại có tổng trị giá ước tính hơn 289 triệu đồng. Tổng số tiền thu phạt hành chính nộp ngân sách đạt hơn 857 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu như: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn hàng hóa, vi phạm hàng giả, kinh doanh hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng…
Đặc biệt, trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước Tết Tân Sửu 2021 vừa qua, lực lượng QLTT cũng đã kiểm tra và phát hiện một số vụ vi phạm điển hình, có quy mô khá lớn với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đơn cử, theo Cục QLTT Đồng Nai, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Đồng Nai) vừa lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Nhất Phan (địa chỉ cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) vì đã có các hành vi vi phạm hành chính gồm: hành vi tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa là mỹ phẩm với số lượng 2.066 sản phẩm các loại tại biên bản tạm giữ số 00076201/BB-TGTV ngày 28-1-2021 của Đội QLTT số 1. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 106,5 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty này còn kinh doanh mỹ phẩm quá hạn dùng với số lượng 13.959 sản phẩm mỹ phẩm các loại. Cục QLTT Đồng Nai đã củng cố hồ sơ vụ việc trên để trình cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đối với các loại hàng hóa, trong đó tập trung vào các mặt hàng như: pháo nổ, thuốc lá, xăng dầu, phân bón, vật tư nông nghiệp; dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, phát hiện, xử lý những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ thường xuyên theo dõi, xử lý những vi phạm đối với các kênh bán hàng trực tuyến, qua mạng xã hội...
* Cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến
Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển mạnh mẽ vì sự tiện lợi, nhanh chóng, nhất là sau những tác động từ dịch Covid-19. Điều này vừa mở ra cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi ngoài những doanh nghiệp, cá nhân bán hàng chất lượng, có uy tín bền vững, ổn định thì vẫn tồn tại không ít đơn vị lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để buôn bán hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Chị T.H. (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, chị thường xuyên mua sắm các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử vì sự phong phú, tiện lợi, đồng thời chị lại "săn" được nhiều mã giảm giá hấp dẫn từ các thương hiệu. Dù tự tin có kinh nghiệm mua sắm online nhưng đôi khi chị vẫn gặp những hạn chế khi không thể trực tiếp thử, kiểm tra sản phẩm; chất lượng sản phẩm không được như kỳ vọng; giao hàng chậm hay sai hàng, thiếu hàng; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
“Vào dịp sale cuối năm 2020, tôi đã “săn sale” được 6 sản phẩm đồng giá 99 ngàn đồng từ một thương hiệu thời trang nhưng chờ đợi hơn 1 tuần nhà cung cấp mới giao 2 sản phẩm (dù tôi đã trả đủ tiền 6 sản phẩm) mà không thông báo với khách hàng. Khi tôi phản hồi, cung cấp đoạn quay lúc kiểm tra hàng với hãng thời trang lẫn sàn thương mại điện tử mà tôi đặt mua thì phải thêm 1 tuần sau nữa nhãn hàng này mới giải quyết và hoàn tiền cho tôi” - chị T.H. bộc bạch.
Tương tự, theo chị Thanh Thủy (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), ngoài các sàn thương mại điện tử thì hiện nay mua hàng qua mạng xã hội hay hình thức livestream (phát trực tiếp) khá phổ biến và thu hút, nhưng qua đó cũng kèm không ít rủi ro. Đa phần người bán hàng đều cam đoan sản phẩm đúng như hình hay bao đổi, trả, hoàn tiền nếu sản phẩm không đúng chất lượng. Tuy nhiên, chính vì không có bất kỳ điều khoản mua bán ràng buộc nào nên khi nhận được sản phẩm không đúng như lời quảng cáo, người bán đều viện cớ kéo dài thời gian đổi - trả hoặc yêu cầu tính phí chuyển hàng mà cuối cùng sản phẩm nhận được chưa chắc như ý muốn.
Mới đây, Công an TP.Biên Hòa cũng đã phát hiện kho hàng hóa “khủng” lên tới hàng chục ngàn sản phẩm như: mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính… không có hóa đơn chứng từ, có nguồn gốc từ Mỹ nhập về Việt Nam trong một nhà xưởng nằm trên quốc lộ 1A, đoạn thuộc địa phận P.Tân Biên (TP.Biên Hòa).
Lam Phương