UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Thuận lợi hóa thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành Công nghiệp phụ trợ ở H.Long Thành. Ảnh: V.GIA |
Việc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 sẽ là tiền đề phát triển cho cả giai đoạn 5 năm tới, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi và phát triển.
* Phấn đấu nằm trong tốp 20 địa phương có chỉ số PCI cao nhất
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2020, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, cùng với việc triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân và DN khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh thì việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn được tỉnh chú trọng. Nhờ đó, nhiều rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ, các chỉ số, tiêu chí xếp hạng năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh nhìn chung được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021 được đánh giá là năm có ý nghĩa rất quan trọng. Kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế, bứt phá mạnh mẽ và chuyển đổi mô hình phát triển sau đại dịch Covid-19 càng trở nên bức thiết hơn. Đây cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn
2021-2025. Kết quả của năm nay sẽ tạo tiền đề và khích lệ mạnh mẽ cho các năm tiếp theo. Do vậy, vấn đề cốt yếu là phải tạo sức hút để thúc đẩy sự thành lập, tham gia vào thị trường của cộng đồng DN cũng như nâng cao sức cạnh tranh, nội lực của nền kinh tế.
Trên phạm vi cả nước, ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, Chính phủ ban hành cùng lúc 2 nghị quyết để triển khai công việc trong năm một cách sớm nhất. Nghị quyết số 01/NQ-CP đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách. Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cụ thể hóa những nhiệm vụ trên, mục tiêu năm nay của Đồng Nai là tiếp tục nằm trong 20 tỉnh, thành có chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước. Cải thiện tổng điểm PCI từ 2-4 điểm so với năm 2019.
Để thực hiện đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thân thiện và minh bạch. Hỗ trợ DN tư nhân, nhất là DN lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, triển khai nhanh chính sách hỗ trợ từ Trung ương, nắm bắt tình hình hoạt động của DN để kịp thời đề ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
* Lấy sự hài lòng của DN làm thước đo
Một trong những yêu cầu của tỉnh trong năm nay để hỗ trợ DN đối với các cơ quan chức năng là hạn chế công tác thanh, kiểm tra. Cụ thể, cơ quan thuế, cơ quan hải quan không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2021 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho họ tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng lĩnh vực hải quan tiếp tục cải cách thủ tục mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế. Rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành. Xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại của khẩu (ngoại trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), các ngành khác thực hiện hậu kiểm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với phương châm đồng hành cùng DN thì Đồng Nai luôn coi sự hài lòng của cộng đồng DN là thước đo cho hiệu quả điều hành chính sách của địa phương. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục có những buổi tiếp xúc, đối thoại thẳng thắn, trực tiếp để lắng nghe tiếng nói của DN. Bên cạnh đó, trong công tác điều hành, để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ năm nay, tỉnh sẽ áp dụng hình thức họp trực tuyến với các địa phương để các cuộc họp diễn ra nhanh, gọn. Các sở, ngành cũng có thể sử dụng phòng họp trực tuyến của UBND tỉnh họp với các đơn vị trực thuộc nhằm triển khai các phương án một cách nhanh nhất.
Đánh giá của các DN trong tỉnh cho thấy, thời gian qua, Đồng Nai đã có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, điều DN cần nhất là tính thực tế trong các chính sách của Nhà nước cần đến với DN một cách nhanh hơn. Theo ông Đặng Quốc Nghi, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, đối với DN, nhất là DN tư nhân, các vấn đề như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cung ứng lao động, cạnh tranh bình đẳng… là những yếu tố mà địa phương cần phải chú trọng.
Văn Gia