Đảm bảo cho người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình nước sạch nông thôn tiếp tục là nhiệm vụ mang tính đột phá trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Đồng Nai.
Đảm bảo cho người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đồng Nai.
Trạm cấp nước tập trung xã Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ) đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho người dân. Ảnh: B.Nguyên |
Nhờ luôn tập trung mọi giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch nông thôn, tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt) đạt trên 80,6%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Chương trình nước sạch nông thôn tiếp tục là nhiệm vụ mang tính đột phá trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Đồng Nai.
Tuy nhiên, chương trình này cần nguồn vốn lớn để đầu tư khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong thực hiện.
* Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT về kết quả thực hiện chỉ tiêu nước sạch nông thôn, từ năm 2016, 100% số dân nông thôn của Đồng Nai đều được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ các trường mầm non, phổ thông và trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch theo Quy chuẩn 02 đạt 100%; tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 đạt 60%. Tính đến nay, tỷ lệ dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 đạt trên 80,6%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Tuy đạt và vượt mục tiêu đề ra nhưng nhiều địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư cho nước sạch nông thôn. Trong đó, nhiều dự án cấp nước sạch nông thôn chậm triển khai do cần nguồn vốn lớn trong khi nguồn kinh phí bố trí cho các dự án cấp nước sạch chưa đáp ứng so với nhu cầu quy hoạch; nhiều địa phương lại gặp khó khăn trong việc vận động doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư....
Nói về khó khăn khi đầu tư dự án cung cấp nước sạch tại xã vùng sâu ở nông thôn, ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc HTX Dịch vụ, thương mại, nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) chỉ ra, khó khăn nhất khi đầu tư dự án cấp nước ở nông thôn là dân cư thưa, nhu cầu sử dụng nước trên mỗi hộ gia đình lại ít hơn hộ gia đình ở thành thị trong khi chi phí đầu tư hạ tầng rất lớn khiến giá thành nước cao. Bên cạnh đó, giá nước sinh hoạt ở nông thôn mà tính bằng giá nước đô thị là khó khăn không nhỏ với người dân. Ngoài ra, thực tế là nhiều trạm cấp nước chưa hoạt động hết công suất, tất cả đều khiến cho giá thành nước tăng cao.
Tuy vậy, Nhà nước rất quan tâm đầu tư cho chương trình nước sạch nông thôn nên ngay cả người dân ở những xã vùng sâu cũng không còn gặp khó khăn về thiếu nguồn nước sạch để sử dụng. Cụ thể, Trạm cấp nước tập trung xã Xuân Mỹ vừa được đầu tư nâng cấp một số tuyến ống chủ lực và tăng cường một số giếng cấp nước và một số trạm lọc. Trước khi nâng cấp, trạm cung cấp nước cho hơn 1,4 ngàn hộ dân, sau khi nâng cấp tăng lên hơn 1,5 ngàn hộ, dự kiến tiếp tục tăng lên cung cấp nước cho hơn 1,7 ngàn hộ dân trong thời gian tới.
* Ưu tiên đầu tư
Đến nay, toàn tỉnh có 82 công trình cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 55.227m3/ngày đêm, công suất thực tế cấp nước 28.471m3/ngày đêm, cung cấp cho khoảng 204.918 người. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hoàn thành 19 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 11.552m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 104.913 người, tổng kinh phí thực hiện hơn 234 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh có 2 công trình nước sạch hoàn thành đưa vào sử dụng với công suất thiết kế 10,6 ngàn m3/ngày đêm. Các địa phương đã vận động các đơn vị cấp nước đấu nối, mở rộng từ tuyến ống cấp nước đô thị và từ các trạm cấp nước tập trung nông thôn với chiều dài trên 454,5km đường ống nhánh. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 6 công trình cấp nước đang triển khai xây dựng với tổng công suất thiết kế trên 33,8 ngàn m3/ngày đêm; 8 công trình đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án với tổng công suất thiết kế 22,3 ngàn m3/ngày đêm. Ngoài ra, toàn tỉnh đã hỗ trợ lắp đặt gần 4 ngàn bộ thiết bị lọc nước nhỏ lẻ cho các hộ dân. Nhờ vậy, tỷ lệ dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế ngày càng tăng. Mục tiêu quan trọng trong chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Đồng Nai là hầu hết người dân nông thôn đều được sử dụng nước sạch.
Những năm qua, người dân ở nhiều xã vùng sâu của H.Định Quán luôn đối mặt với khó khăn thiếu nước sinh hoạt khi đến mùa khô. Theo Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Quang Tú, thời gian tới, huyện tập trung đầu tư cho các dự án nước sạch nông thôn. Tin vui là trong năm 2020, dự án cấp nước cho các xã Phú Vinh, Phú Lâm, Phú Lợi sau nhiều năm chậm trễ do khó khăn về nguồn vốn đã được khởi công đầu tư và dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động. Trong năm 2021, huyện tiếp tục khởi công dự án cấp nước cho 3 xã Ngọc Định, Phú Ngọc và La Ngà. Khi các dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng thì nỗi khó khăn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô đã tồn tại bao nhiêu năm qua của người dân nơi đây sẽ được giải quyết. Huyện cũng đang tích cực triển khai hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, gia đình chính sách trong lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình, đảm bảo mục tiêu về nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM.
Bình Nguyên