Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn lại các FTA để chuẩn bị cho thời "bình thường mới"

08:02, 18/02/2021

Tính từ năm 1993 đến cuối năm 2020, tức là trong vòng gần 3 thập niên, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết tổng cộng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

Tính từ năm 1993 đến cuối năm 2020, tức là trong vòng gần 3 thập niên, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết tổng cộng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. FTA “lớn tuổi” nhất là AFTA (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN), được ký kết vào năm 1992 tại Singapore và có hiệu lực từ năm 1993. Kể từ sau AFTA, Việt Nam đã liên tục tham gia đàm phán, ký kết những FTA có giá trị với phạm vi tác động lớn và cho đến nay đã có quan hệ thương mại với rất nhiều quốc gia ở mọi châu lục.

Mới mẻ và có tác động lớn nhất có lẽ là 2 FTA vừa có hiệu lực chưa lâu (lần lượt có hiệu lực năm 2019 và 2020) là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu). Hiện tại, Việt Nam cũng đã ký kết xong 2 FTA mới là RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh). Hai hiệp định này hiện đang chờ các quốc gia thành viên phê chuẩn và sắp có hiệu lực, trong đó UKVFTA đã có hiệu lực tạm thời kể từ đầu năm 2021. Ngoài ra, còn có 2 FTA đang trong quá trình đàm phán các điều khoản là FTA giữa Việt Nam với khối thương mại tự do châu Âu (gồm 4 nước) và FTA giữa Việt Nam - Israel, cả 2 hiệp định này dự kiến cũng sẽ sớm được đôi bên thống nhất các điều khoản liên quan trước khi tiến hành ký kết.

Có thể nói, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa hòa nhập với nền kinh tế thế giới, đánh giá “Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất về kinh tế” là đánh giá khá xác đáng. Chỉ trong mấy thập niên, từ một quốc gia còn khá xa lạ với xuất nhập khẩu, khá xa lạ với các trào lưu kinh tế thế giới, ngày nay hàng hóa, dịch vụ, người Việt Nam đã có mặt khắp các thị trường. Nhiều thương hiệu Việt cũng đàng hoàng có mặt trên kệ hàng của những siêu thị và trung tâm thương mại lớn nhất, nhì thế giới. Đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tạo nên những sân chơi có tính toàn cầu, tính khu vực để doanh nghiệp có “đất dụng võ”, qua đó thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên.

Tuy nhiên, với hiện tại, dòng chảy đó đang gặp một số khó khăn thách thức kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn thế giới. Việc đóng cửa hoặc hạn chế các đường bay, cửa khẩu (dù chỉ tạm thời), cũng như các biện pháp phòng dịch đã gây không ít khó khăn cho thông thương hàng hóa. Năm 2020, xuất khẩu giảm hoặc tăng trưởng chậm, tăng trưởng kinh tế cũng chậm hẳn so với các năm trước, doanh nghiệp bàn chuyện “sống còn” nhiều hơn chuyện phát triển hay vươn lên… Và năm 2021 cũng chưa nhiều thay đổi khi dịch vẫn chưa được khống chế hiệu quả. Do đó, dưới góc độ các FTA, cơ hội tuy vẫn hiện diện, song có nắm bắt và thích nghi được không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trạng thái “bình thường mới” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế đòi hỏi sự linh hoạt của từng quốc gia nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng cũng vô cùng quan trọng để hàng hóa vẫn có thể xuất đi, sản xuất duy trì vì suy cho cùng, chưa ai trả lời được khi nào dịch bệnh sẽ chính thức lui, song miếng cơm manh áo của mỗi người dân cần phải được duy trì.

Vi Lâm

Tin xem nhiều