Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghiệp: Một năm vượt sóng

04:02, 08/02/2021

Năm 2020, ngành Công nghiệp Đồng Nai phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đem lại, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng 6,2% so với năm trước đó.

Năm 2020, ngành Công nghiệp Đồng Nai phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đem lại, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng 6,2% so với năm trước đó. Kết quả trên là nỗ lực lớn của doanh nghiệp (DN), đồng thời tạo tiền đề cho năm 2021 phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa)
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh:H. Giang

Theo Sở Công thương, đến cuối năm 2020, giá trị ngành Công nghiệp của Đồng Nai đạt 709 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là chế biến nông sản thực phẩm; dệt may, giày dép, xơ sợi dệt, cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, cao su, plastic. Nhóm hành này đóng góp gần 87% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành và 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

* Nhóm hàng phục hồi nhanh

Các DN trên địa bàn tỉnh sản xuất hơn 50 nhóm hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến cho ngành Công nghiệp thế giới bị tê liệt trong 3-4 tháng liền. Tại Đồng Nai, DN nhạy bén hơn, kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp cũng mất 4 tháng liên tiếp bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, có nhiều DN phải tạm dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu, đầu ra khó khăn. Nhưng nhờ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt nên từ tháng 7-2020, nhiều DN bắt đầu phục hồi. Các lĩnh vực phục hồi nhanh là điện - điện tử, sản phẩm gỗ, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, giày dép...

Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Nai tăng 6,2%, cao hơn bình quân cả nước hơn 2,8%.  Tỉnh đang nằm trong tốp 5 địa phương có công nghiệp phát triển nhất cả nước.

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các DN trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vượt qua và có kế hoạch khôi phục lại sản xuất, xuất khẩu tương đối thành công. Có những DN đã tìm ra được cơ hội ngay trong khó khăn nên mở rộng được sản xuất, kinh doanh”.

Trong năm 2020, có 6 nhóm hàng của Đồng Nai vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với năm trước đó là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 37%, sản phẩm gỗ tăng hơn 11%, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 7,5%... Sự linh hoạt và chủ động của DN Đồng Nai khá cao, nhiều DN đã kịp thời mở rộng sản xuất những mặt hàng trong nước và thế giới đang cần như: khẩu trang, quần áo bảo hộ, thiết bị y tế, thực phẩm chế biến.

Ông Peter Wu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm linh kiện máy móc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, hàng hóa xuất khẩu bị chậm lại vì nhiều nước thực hiện cách ly, giãn cách toàn xã hội. Để đảm bảo sản xuất, việc làm cho người lao động, công ty liên kết với đối tác Hoa Kỳ mở rộng sản xuất thiết bị y tế. Cũng trong năm 2020, công ty mở thêm một nhà máy sản xuất thiết bị y tế để xuất khẩu”.

* Phát triển đúng hướng

Từ nhiều năm trước, trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã chú ý ưu tiên mời gọi các DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, DN có công nghệ hiện đại, các dự án có giá trị gia tăng cao, dòng vốn FDI đổ vào Đồng Nai phù hợp với yêu cầu của tỉnh. Đồng Nai cũng trở thành nơi có ngành Công nghiệp hỗ trợ phát triển hàng đầu của Việt Nam, cung ứng cho các DN tại Việt Nam và xuất khẩu. Hiện công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 22% giá trị sản xuất công nghiệp, song lại chiếm hơn 52% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, ngành Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh có trên 80% thuộc về khối DN FDI.

Sản xuất thịt gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu & Unitex ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa)
Sản xuất thịt gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu & Unitex ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa). Ảnh:H. Giang

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá: “Khoảng 5 năm trở lại đây, dòng vốn FDI Đồng Nai thu hút được chất lượng hơn so với giai đoạn trước. Trong đó, có nhiều dự án mới có vốn lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu của tỉnh và cả nước. Các DN ở Đồng Nai ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Theo Sở KH-ĐT, từ năm 2016 đến nay, số dự án công nghiệp hỗ trợ chiếm từ 40-50% trong tổng số dự án thu hút mới. Bên cạnh đó, nhiều DN công nghiệp hỗ trợ tăng thêm vốn từ vài chục đến hàng trăm triệu USD để mở rộng sản xuất. Đơn cử như: Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 tăng vốn thêm 60 triệu USD mở rộng sản xuất linh kiện điện tử; Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (Khu công nghiệp Amata) tăng vốn gần 50 triệu USD sản xuất các loại vòng bi lớn, nhỏ cho máy móc, robot...

Ông Ueda Masaya, Tổng thư ký Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM nhận xét: “Khoảng 4 năm nay, các DN Nhật Bản tăng tốc trong đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực sản xuất thiết bị máy móc, linh kiện điện tử để cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia có nhà máy sản xuất tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Đây là ngành tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư nên thời gian tới sẽ có nhiều DN Nhật Bản dự tính đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai”. Trong năm 2020 xảy ra dịch bệnh Covid-19, các DN Nhật Bản tại Đồng Nai bên cạnh việc nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, vẫn tin tưởng tăng vốn đầu tư gần 200 triệu USD vào ngành Công nghiệp. Các quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng tăng vốn đầu tư vào công nghiệp ở Đồng Nai như: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...

Hương Giang

Tin xem nhiều