Theo đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng bao gồm các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu được xác định là một trong 6 nhóm/ngành hàng cần tập trung phát triển để trở thành sản phẩm, dịch vụ OCOP của tỉnh.
Theo đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng bao gồm các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu được xác định là một trong 6 nhóm/ngành hàng cần tập trung phát triển để trở thành sản phẩm, dịch vụ OCOP của tỉnh.
Dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch tại làng dân tộc Tà Lài (H.Tân Phú). Ảnh:N.Liên |
Đến nay, mặc dù đã có những cá nhân, doanh nghiệp bước đầu manh nha phát triển du lịch gắn với quảng bá sản phẩm OCOP, nhưng những sản phẩm du lịch nông thôn đã và đang được nông dân khai thác vẫn chưa phát triển thành một sản phẩm du lịch OCOP như mục tiêu đề án.
* Du lịch nông thôn với các thế mạnh địa phương
Những năm gần đây, cùng với các sản phẩm du lịch sinh thái rừng là thế mạnh, du lịch Đồng Nai đang nổi lên với những sản phẩm du lịch nông thôn bao gồm những mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm cảnh đẹp và ẩm thực địa phương khá rầm rộ tại các địa phương như: H.Tân Phú, H.Vĩnh Cửu, TP.Long Khánh... thu hút hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài tỉnh.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí OCOP là mũi tên trúng hai đích khi nó vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch vừa làm phong phú thêm sản phẩm OCOP cho địa phương, đây cũng là giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Theo ông Chung, du lịch nông thôn là điểm đến an toàn, thân thiện và là tương lai của ngành Du lịch. Hiện nay, các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp chương trình OCOP, đặc biệt là sản phẩm gắn với khai thác làng nghề truyền thống, ẩm thực, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái nông nghiệp đã được lồng ghép với các chương trình du lịch quốc gia. (Nguồn: Tổng cục Du lịch) |
Để tạo được tiếng vang, mỗi địa phương đã gắn kết, phát huy thế mạnh của riêng mình. Một trong những mô hình thu hút khách du lịch mạnh mẽ trong thời gian qua chính là mô hình du lịch sinh thái vườn tại TP.Long Khánh. Với thế mạnh là địa phương có nhiều đặc sản trái cây, trong đó sản phẩm chôm chôm Long Khánh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong 3 năm trở lại đây, doanh thu từ hoạt động du lịch sinh thái vườn tại TP.Long Khánh luôn tăng từ 120-140% so với doanh thu từ hoạt động nông nghiệp thuần túy (từ 60-130 triệu đồng/ha). Mô hình du lịch sinh thái vườn đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và lao động phổ thông ở nông thôn.
Ông Huỳnh Vũ Bảo Giang, Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ tham quan vườn Bình Lộc cho biết, do địa bàn gần TP.HCM, cùng với các đặc sản, cảnh quan nông thôn sạch sẽ, thoáng mát nên hằng năm lượng khách du lịch đều tăng. Theo ông Giang, để thu hút du khách tìm đến Long Khánh quanh năm, các chủ vườn đang triển khai trồng nhiều loại trái cây cho thu hoạch trái vụ chính từ tháng 5 đến tháng 9.
Tại các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú..., thời gian qua cũng thu hút khá đông du khách tìm đến tham quan, khám phá cảnh đẹp tại các vùng nông thôn và thưởng thức các món đặc sản địa phương. Trong đó, làng bưởi Tân Triều là một trong số ít địa chỉ nổi tiếng khắp cả nước với các món ăn đặc sản địa phương; làng dân tộc Tà Lài (H.Tân Phú) với các sản phẩm dệt thổ cẩm, các hoạt động văn hóa văn nghệ và ẩm thực đặc trưng...
* Đồng Nai chưa có sản phẩm du lịch OCOP
Kết quả sau 2 năm đầu tiên thực hiện đề án Chương trình quốc gia OCOP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035, hiện có 100% địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, trong đó có 9/11 địa phương có 46 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá đạt từ 3 sao trở lên, 1 sản phẩm đạt các tiêu chí 5 sao đang chờ Trung ương xem xét. Đến nay cả nước có 2.965 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng, trong đó có 18 sản phẩm du lịch cộng đồng được xếp hạng 3 sao, Đồng Nai chưa có sản phẩm du lịch được chứng nhận OCOP.
Bưởi Tân Triều, đặc sản địa phương gắn sản phẩm du lịch nông thôn nổi tiếng cả nước từ nhiều năm nay. |
Theo đánh giá chung của một số chuyên gia du lịch, thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư, khai thác, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với khu vực nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo việc làm cho người lao động, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... Tuy nhiên, do chưa có những hướng dẫn, quy định cụ thể nên mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, ban hành chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng khác nhau nên hiệu quả đem lại chưa cao.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP của Đồng Nai trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực du lịch nông thôn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tập trung phát triển vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng bằng hình thức liên kết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thông qua việc thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm để có vùng nguyên liệu tập trung đặc trưng của địa phương; xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, gắn với nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Ngọc Liên