Thời điểm kết thúc năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan đã có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN), hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai...
Thời điểm kết thúc năm 2020, một cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan với cộng đồng doanh nghiệp (DN), hội viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã được tổ chức.
Sự đồng hành của chính quyền là điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí, chế tạo ở Trảng Bom. Ảnh: V.Gia |
Từ những trao đổi thẳng thắn, cộng đồng DN bày tỏ tin tưởng kinh tế đất nước và Đồng Nai nói riêng sẽ vững mạnh khi DN được tạo điều kiện phát triển và những vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời.
* Nỗ lực tìm tiếng nói chung
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, để giữ vững vị trí là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động thì Đồng Nai luôn coi việc đồng hành cùng DN, doanh nhân là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong một năm mà đại dịch Covid-19 đã làm cho toàn xã hội nói chung, cộng đồng DN nói riêng gặp rất nhiều khó khăn thì sự hợp tác giữa chính quyền và DN sẽ là động lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã có trên 40 ngàn DN, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế. Trong đó, khối DN tư nhân, DN trong nước mà tiêu biểu là hàng ngàn hội viên, DN thuộc các tổ chức doanh nhân tại Đồng Nai đã cùng góp sức để địa phương dù khó khăn vì đại dịch song vẫn đạt được các kết quả kinh tế khả quan.
“Khi có khó khăn nhưng không biết gửi kiến nghị đến đâu, cứ gửi về Chủ tịch UBND tỉnh. Tôi sẽ điều hành, đưa kiến nghị của quý vị đến đúng đơn vị liên quan có trách nhiệm và yêu cầu phải giải quyết những vấn đề có thể giải quyết ngay” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định. |
Một điều dễ nhận thấy là thời gian qua, những “rào cản” về thủ tục hành chính từ các đơn vị có liên quan trực tiếp như: thuế, hải quan, môi trường… đã có sự cải thiện rất rõ rệt. Qua các buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành với DN trên địa bàn, thủ tục hành chính đã không còn là “điểm nóng” như những năm trước. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng đây cũng là nỗ lực rất lớn của các đơn vị nói trên và sự ghi nhận của cộng đồng DN sẽ là động lực để địa phương tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của tỉnh cũng như các sở, ngành tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, DN trên địa bàn, nhất là thành viên của Hội đa phần quy mô còn nhỏ, nguồn lực sản xuất hạn chế, vướng nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Để phát triển bền vững, lớn mạnh, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập và vươn ra thế giới thì ngoài từng bước tháo gỡ các bất cập từ thủ tục hành chính, cộng đồng DN cần nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn. “Khó khăn về tài chính, đất đai và nguồn nhân lực là những yếu tố cốt lõi chưa thể giúp DN sớm vượt lên được. Đặc biệt là trong một năm có nhiều biến cố, nhiều khó khăn chưa được khắc phục hết, DN mong sẽ nhận được cam kết đồng hành mạnh mẽ hơn” - ông Điềm kỳ vọng.
Sự kỳ vọng của vị Chủ tịch Hội cũng là kỳ vọng chung của các DN. Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại diện các DN cho rằng dù đã có sự phát triển song vẫn còn phụ thuộc vào khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). DN trong nước còn nhỏ, cơ hội hợp tác trực tiếp, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao. Do đó, tỉnh cần nghiên cứu thêm các giải pháp của những địa phương khác, nhất là từ TP.HCM để tháo gỡ điểm nghẽn này. Ngoài ra, DN cũng mong muốn tỉnh thành lập và đổi mới hoạt động của trung tâm hỗ trợ DN. Trung tâm này thực sự là công cụ, phương án hữu hiệu trực tiếp nhất để DN có thể nắm bắt được thông tin, chính sách, tránh phát sinh những vấn đề hậu kiểm.
* Vận hội lớn cho DN chủ động nắm bắt thời cơ
Từ các ý kiến của DN về sự quá tải của hạ tầng giao thông trên địa bàn, ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GT-VT cho rằng đây là vấn đề hiện hữu. Để giải quyết tình trạng này có các phương án trước mắt và lâu dài, về lâu dài phải đầu tư mở rộng, đầu tư mới các tuyến đường khác nhưng tốn rất nhiều kinh phí. Trước mắt, tỉnh đã từng bước đầu tư các dự án ở Biên Hoà, các tuyến kết nối với cao tốc, những tuyến đường khu vực đi qua nhiều khu công nghiệp, dân cư…
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định những năm tới sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ. Bên cạnh sân bay quốc tế Long Thành thì các tuyến quốc lộ, đường kết nối liên huyện là điều kiện để Đồng Nai tiếp tục là địa phương trọng điểm trong thu hút đầu tư.
“Một số tuyến như quốc lộ 51 đã trở nên quá tải, bị dồn xe vì toàn bộ hàng hóa đều xuất qua các cảng nằm trên trục đường này. Việc mở rộng đường (dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) tốn chi phí rất lớn. Đường tỉnh 769 cũng là một điểm nghẽn nữa. Đặc biệt là khi khu tái định cư sân bay hoàn thành thì cần cấp bách mở rộng. Tôi đã chỉ đạo Sở GT-VT nghiên cứu phương án đầu tư bởi đây là tuyến đường quan trọng, phải làm càng sớm càng tốt” - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng DN, lãnh đạo tỉnh cho rằng DN của Đồng Nai phải được biết các quy hoạch sát sườn với tình hình của tỉnh, những vấn đề DN quan tâm một cách sớm nhất để chủ động tìm kiếm cơ hội. Đây là nhiệm vụ mà các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải lưu ý.
Chia sẻ thêm về cơ hội phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh gửi gắm tới cộng đồng DN rằng Đồng Nai những năm tới sẽ tiếp tục có vận hội, thời cơ lớn để bứt phá mạnh mẽ hơn. Sân bay, cảng biển, đường cao tốc, các khu công nghiệp tiếp tục được đầu tư. Đổi mới sáng tạo sẽ là chìa khóa hàng đầu để đi tới thành công, là cơ hội để phát triển trong một thế giới liên tục biến đổi. Điều quan trọng là sự đồng sức, đồng lòng của cộng đồng DN trên địa bàn cùng với chính quyền địa phương để nắm bắt được những cơ hội này.
Văn Gia