Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân tại buổi làm việc mới đây tại Đồng Nai. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, tỷ lệ chung của cả nước hơn 70%, trong khi đó, Đồng Nai 100% khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường. Các KCN có lưu lượng nước thải ổn định được lắp đặt quan trắc nước tự động.
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân tại buổi làm việc mới đây tại Đồng Nai. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, tỷ lệ chung của cả nước hơn 70%, trong khi đó, Đồng Nai 100% khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường. Các KCN có lưu lượng nước thải ổn định được lắp đặt quan trắc nước tự động.
Cán bộ Phòng TN-MT (Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai) lấy mẫu nước thải tại trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Suối Tre (TP.Long Khánh) để phân tích. Ảnh: Hoàng Lộc |
Nhờ đó, Đồng Nai hạn chế được tối đa việc phát sinh điểm nóng về môi trường tại các KCN, không còn cơ sở sản xuất nằm trong danh sách “đen” về môi trường.
* 100% KCN có trạm xử lý nước thải
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, Đồng Nai có 38 KCN, tập trung nhiều ở các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Tính đến thời điểm hiện tại, 31/31 KCN đang hoạt động đều có trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là 181,6 ngàn m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư hơn 2,1 ngàn tỷ đồng. Có 30 trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động, riêng KCN Ông Kèo (H.Nhơn Trạch) đang vận hành chạy thử.
Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, Đồng Nai hiện không còn điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại các KCN. 157 cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong danh sách “đen” về môi trường theo kết luận của Thanh tra Sở TN-MT và báo cáo của UBND tỉnh đã hoàn thành khắc phục hậu quả. Sở đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh, kiến nghị Bộ TN-MT xóa tên các cơ sở này khỏi danh sách “đen”.
Theo ông Đức, để có kết quả này, từ nhiều năm trước tỉnh đã chỉ đạo 2 đơn vị là Sở TN-MT và Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; yêu cầu các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN phải xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung theo quy chuẩn môi trường. Riêng với KCN mới, phải hoàn thành trạm xử lý nước thải trước khi thu hút nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đầu tư lắp đặt quan trắc tự động tại các trạm xử lý nước thải nhằm giám sát việc vận hành, lưu lượng, chất lượng nước thải sau xử lý. Tính đến thời điểm hiện tại, 25 trạm xử lý nước thải đã được lắp đặt quan trắc tự động, dự kiến trong năm 2021 sẽ có thêm 3 trạm được lắp đặt.
Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, định kỳ 6 tháng/lần, Ban quản lý phối hợp với Sở TN-MT, UBND các huyện, thành phố và 1 đơn vị độc lập được cấp phép đi lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng nước thải. Trường hợp nước sau xử lý tại các khu xử lý nước thải tập trung hoặc nước thải của các doanh nghiệp cấp phép xả thải trực tiếp có yếu tố vượt chuẩn, Ban quản lý sẽ làm văn bản yêu cầu khắc phục, nếu chậm hoặc cố tình không khắc phục, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt. Năm 2020, BQL giám sát việc xử lý nước thải và thu mẫu nước tại 4 doanh nghiệp được phép xả thải trực tiếp. Kết quả phân tích các chỉ số đều đạt quy chuẩn theo giấy phép được cấp”.
* Nỗ lực kiểm soát nguồn nước thải
Theo các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, việc hình thành các khu xử lý nước thải tập trung, đầu tư lắp đặt quan trắc nước thải tự động giúp cơ quan quản lý kiểm soát được nguồn nước thải, chất lượng nước sau xử lý. Từ đó, kịp thời cảnh báo và buộc các đơn vị phải có phương án phòng ngừa sự cố. Đây cũng là hình thức để doanh nghiệp có ý thức chấp hành tốt hơn các quy định về môi trường.
Theo ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, mặc dù tại 31/31 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng còn 8 doanh nghiệp tại 2 KCN là Ông Kèo (H.Nhơn Trạch) và Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) chưa thể đấu nối nước thải vào trạm xử lý nước thải tập trung do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, trong năm 2021, Ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra việc đấu nối của các doanh nghiệp chưa thực hiện; giám sát tình hình xây dựng, vận hành của các trạm xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hạ tầng tách riêng tuyến thoát nước mưa, nước thải.
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cũng cho rằng, Đồng Nai đã kiểm soát tốt nguồn nước thải tại các KCN, nhưng còn tỷ lệ nhỏ lượng nước thải chưa được thu gom, còn tình trạng lén xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vào ban đêm, trời mưa; còn tình trạng tràn bể chứa nước thải… gây tác động đến môi trường xung quanh. Tới đây, bên cạnh việc tham mưu cho UBND tỉnh không thu hút các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, Sở sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ chất lượng nước thải sau xử lý tại các trạm xử lý nước thải tập trung nhằm kịp thời thông báo, cảnh báo và để xuất phương án xử lý. Yêu cầu các đơn vị có lượng nước thải phát sinh lớn, được cấp phép xả thải trực tiếp lắp đặt quan trắc để sở giám sát.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, với tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước như Đồng Nai thì áp lực đối với bảo vệ môi trường là rất lớn. Tỉnh đảm bảo được tỷ lệ 100% KCN có dự án đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung là nỗ lực lớn trong nhiều năm với nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, các cơ quan quản lý tăng cường giám sát việc vận hành của các trạm xử lý nước thải tập trung; theo dõi thường xuyên đối với các doanh nghiệp được cấp phép xả nước thải trực tiếp ra môi trường, doanh nghiệp phát sinh nguồn nước thải lớn. Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, nước thải và khí thải là vấn đề cần đặc biệt quan tâm đối với tất cả các KCN.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, 31/31 KCN đã hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung. Hiện tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động khoảng 127,7 ngàn m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải được đấu nối về các trạm xử lý nước thải tập trung là gần 100 ngàn m3/ngày đêm, chiếm 78%; lượng nước thải được cấp phép xả trực tiếp gần 28 ngàn m3/ngày đêm, chiếm gần 22%; khoảng 0,02% nước thải công nghiệp chưa đấu nối về các trạm xử lý nước thải tập trung. |
Hoàng Lộc