Hai thành tựu nổi bật của Đồng Nai trong phát triển kinh tế là công nghiệp và nông thôn mới. Tỉnh đã sớm tìm ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ với các dự án hạ tầng lớn để phát triển bền vững.
Hai thành tựu nổi bật của Đồng Nai trong phát triển kinh tế là công nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Tỉnh đã sớm tìm ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ với các dự án hạ tầng lớn để hướng tới sự phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tiến độ khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ xây dựng sân bay Long Thành vào tháng 7-2020. Ảnh: khắc Giới |
Để nắm bắt cơ hội của mình, Đồng Nai xác định phải phát huy tính năng động, sáng tạo. Đổi mới và đổi mới sáng tạo tiếp tục là chìa khóa trong điều hành của chính quyền cũng như nỗ lực hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế nếu muốn phát huy được tiềm năng của mình.
* 3 trụ cột cho phát triển kinh tế
Đầu tiên phải nói đến phát triển công nghiệp, Đồng Nai là địa phương đi trước cả nước trên lĩnh vực này với Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 từ hàng chục năm trước. Từ chỗ chỉ có 1 KCN, đến nay Đồng Nai đã quy hoạch gần 40 KCN, trong đó 31 khu được đầu tư hạ tầng hoàn thiện đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 31,7 tỷ USD đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các KCN đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh đó các KCN đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 600 ngàn lao động và đóng góp trên 50% tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Không chỉ các KCN mà ngoài KCN cũng phát triển mạnh. Đến nay tỉnh đã có hơn 40 ngàn DN được thành lập. Công nghiệp Đồng Nai phát triển đa dạng với nhiều ngành từ Dệt may, Da giày, Cơ khí chế tạo, Tự động hóa, Chế biến nông sản, Vật liệu xây dựng… đến các thành phần DN nhà nước, tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó, Đồng Nai luôn giữ vững vị trí thuộc các tỉnh tốp đầu trong phát triển kinh tế, thúc đẩy xuất, nhập khẩu, nâng cao tiềm lực của doanh nghiệp cũng như sức cạnh tranh của tỉnh.
Cùng với công nghiệp, Đồng Nai có lợi thế về hạ tầng mà ít địa phương nào có được. Đặc biệt là với sân bay quốc tế Long Thành vừa được khởi công xây dựng, kỳ vọng thêm những bước đột phá mới, đưa Đồng Nai trở thành tâm điểm giao thông cả nước. Có sân bay lớn, có hệ thống đường cao tốc như Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây… và hệ thống cảng sông, biển là sức bật mới cho nền kinh tế.
Một thành tựu nữa không thể không nhắc đến là kết quả xây dựng NTM. Năm 2014, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đơn vị cấp huyện về đích trong xây dựng NTM. Năm 2019, Đồng Nai tiếp tục là một trong 2 tỉnh dẫn đầu của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Đồng Nai cũng đi đầu trong cả nước về xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Kết quả là Đồng Nai đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020.
* Vận hội mới, cần “tư duy phát triển mới”
Để phát huy tốt hơn những thành quả đã đạt được trong lịch sử, giai đoạn 5 năm tới sẽ là “nấc thang” phát triển mới của Đồng Nai với nhiều cơ hội rộng mở. Theo đó, Đồng Nai sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối. Đồng Nai cũng thực hiện lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.
Dệt may là ngành hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai Trong ảnh: Sản xuất quần áo tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa) Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2. Ảnh:H. Giang |
Cùng với hạ tầng, hướng ưu tiên vào phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học, kỹ thuật, công nghiệp mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh cao của nền kinh tế. Song song đó, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics, gắn liền với các vùng phát triển của tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho hay, Đồng Nai đã tích cực, chủ động để tìm ra những hướng đi mới trong phát triển. Tuy nhiên trong những năm qua, tình hình kinh tế vẫn diễn biến với những khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen. Để giải quyết được khó khăn, cùng với sự điều hành của chính quyền thì phải kể đến sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế. Trong đó yêu cầu về đổi mới sáng tạo là một nội dung mang tính quyết định. Đồng Nai rất mong muốn lĩnh hội được những kinh nghiệm của các địa phương khác trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật mới cho tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển chung của khu vực.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định Đồng Nai có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vệ tinh TP.HCM nên cơ hội, tiềm năng phát triển là rất rộng mở. Nhắn nhủ với cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn về đường hướng phát triển của địa phương trong những năm tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng DN cần phải chủ động nắm bắt cơ hội phát triển của mình. “Hạ tầng là lợi thế của tỉnh trong những năm tới. Những quyết sách, định hướng phát triển kinh tế cũng phải làm sao để cộng đồng DN trên địa bàn nắm bắt một cách sớm nhất. Vận hội mới cần sự chung tay của DN cùng với chính quyền để phát huy được cơ hội này” - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Văn Gia