Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 7, 29/03/2025, 05:05 En

Sẽ ngưng thu tiền điện tại nhà vào cuối năm nay

03:11, 06/11/2020

Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, Công ty Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) sẽ ngưng thu tiền điện tại nhà.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, Công ty Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) sẽ ngưng thu tiền điện tại nhà. Việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, tiến tới ngưng thu tiền mặt tại nhà nhằm giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng giúp ngành Điện nâng cao hiệu quả phục vụ.

Khách hàng thanh toán tiền điện tại Điện lực Trảng Bom Nhân viên ngành Điện kiểm tra chỉ số công tơ của khách hàng
Khách hàng thanh toán tiền điện tại Điện lực Trảng Bom. Ảnh:H. Lộc

* 95% khách hàng giao dịch tiền điện trực tuyến

Đại diện lãnh đạo PC Đồng Nai cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và nâng cao chất lượng phục vụ, thời gian qua, ngành Điện đã có nhiều thay đổi, trong đó có hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian để khách hàng thanh toán tiền điện trực tuyến.

Thanh toán tiền điện trực tuyến là hình thức thanh toán hiện đại hóa, giúp khách hàng và ngành Điện tiết kiệm thời gian, chi phí. Sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên nền tảng công nghệ, khách hàng có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi, không tốn phí; khách hàng khu vực nông thôn có thể thanh toán tiền tại các điểm thu hộ, chi nhánh điện lực mà không phải chờ  nhân viên đến nhà thu tiền. Hiện tỷ lệ giao dịch tiền điện không dùng tiền mặt ở Đồng Nai là 95%. PC Đồng Nai đặt mục tiêu đến cuối năm nay 100% khách hàng sử dụng điện giao dịch trực tuyến.

Tính đến thời điểm hiện tại, PC Đồng Nai đang hợp tác với 12 ngân hàng, tổ chức trung gian. Khách hàng có thể thanh toán tiền điện thông qua ngân hàng (ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, trích nợ tự động, Internet/mobile banking, thẻ ngân hàng, chuyển khoản qua ATM, thanh toán tại phòng giao dịch ngân hàng); qua các phương tiện trung gian thanh toán (quầy thu, các ví điện tử của các đơn vị thu hộ), website chăm sóc khách hàng; điểm thu hoặc các phòng giao dịch của điện lực.

Theo ngành Điện, việc phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến và thu tiền qua trung gian đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Về phía khách hàng thì tiết giảm tối đa thời gian đi lại, chủ động lựa chọn thời gian và hình thức thanh toán. Đặc biệt, dịch vụ trích nợ tự động sẽ hỗ trợ khách hàng trả tiền đúng hạn kể cả khi quên thanh toán hoặc vắng nhà. Ngoài ra, khách hàng có thể nhận được nhiều tiện ích từ tổ chức trung gian phối hợp thu hộ tiền điện như: chiết khấu khi thanh toán bằng ví điện tử, nhận quà khi thanh toán tại điểm thu, chiết khấu khi nạp thẻ cào điện thoại, tích điểm nhận quà khi thanh toán hóa đơn điện. Ngành Điện cũng tiết giảm được nhân công đi thu tiền, giảm sai sót, có điều kiện hơn trong triển khai dịch vụ khách hàng.

Thực tế, việc đẩy mạnh giao dịch trực tuyến đang được nhiều khách hàng hưởng ứng. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở Đồng Nai là 95%, riêng khu vực đô thị là 100%. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, các dịch vụ về điện như: đăng ký lắp công tơ mới, thay đổi nội dung hợp đồng mua bán điện, trả tiền điện, thông báo về sự cố điện cũng áp dụng dịch vụ trực tuyến qua mạng, giúp khách hàng sử dụng điện tiện lợi và thực hiện nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi khi cần.

* Ngừng thu tiền điện tại nhà vào cuối năm 2020

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, PC Đồng Nai sẽ “xóa sổ” hình thức thanh toán tiền điện tại nhà theo chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Quyết định số 2545/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Nhân viên ngành Điện kiểm tra chỉ số công tơ của khách hàng
Nhân viên ngành Điện kiểm tra chỉ số công tơ của khách hàng

“Khó khăn hiện nay của ngành Điện là một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn ít điểm thu hộ của ngân hàng, tổ chức trung gian; người dân chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực để 100% khách hàng được giao dịch trực tuyến” - đại diện PC Đồng Nai chia sẻ.

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch, ngành Điện đang tăng cường công tác truyền thông về thanh toán không dùng tiền mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp cùng chính quyền các xã, ấp thông báo đến khách hàng là người dân khu vực nông thôn về thời gian bắt đầu ngưng thu tiền tại nhà, các kênh thanh toán thay thế, niêm yết danh sách điểm thu cố định tại điện lực và UBND xã. Cùng với đó, ngành Điện cũng phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian phát triển các điểm thu tại vùng nông thôn; đa dạng hóa các hình thức thanh toán tiền điện với tiêu chí nhanh chóng, an toàn và tiện lợi nhất cho khách hàng.

Theo ghi nhận, đại đa số khách hàng đều hài lòng với dịch vụ thanh toán trực tuyến. Chị Lưu Thị Hương (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, hằng tháng, chị nhận được thông báo tiền điện qua các ứng dụng: Zalo, Chăm sóc khách hàng của EVN miền Nam trên điện thoại di động. Chị có khoảng 3-5 ngày để chuẩn bị tiền và lựa chọn kênh thanh toán phù hợp. Đa phần chị chọn thanh toán qua internet banking vì thông tin minh bạch, số tiền chính xác tuyệt đối, không tốn phí. “Từ ngày chuyển sang thanh toán trực tuyến, mình không lo đóng tiền trễ hạn nữa vì đã có tin nhắn nhắc nợ” - chị Hương cho hay.

Có thể thấy, việc đa dạng hóa các hình thức thanh toán và đẩy mạnh giao dịch trực tuyến qua nền tảng công nghệ đã mang lại nhiều tiện ích cho cả khách hàng lẫn ngành Điện.

                Hoàng Lộc

Tin xem nhiều