Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (gọi tắt là EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8 đã mở ra cánh cửa lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm - thủy sản của Việt Nam khi thuế giảm về 0%.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (gọi tắt là EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8 đã mở ra cánh cửa lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm - thủy sản của Việt Nam khi thuế giảm về 0%. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này còn rất lớn, trong đó có mặt hàng nông sản.
Trang Trại Việt tại xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) mở rộng diện tích trồng dưa lưới để xuất khẩu đi EU. Ảnh: B.Nguyên |
Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực mà Việt Nam đang xuất khẩu tốt vào thị trường EU như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, trái cây tươi… Đây là cơ hội để doanh nghiệp, nông dân Đồng Nai đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường giàu tiềm năng này.
* Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản vào EU
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sản lượng và giá trị nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào EU đã tăng nhanh. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường này là cà phê, hồ tiêu, hạt điều. Đây là những loại nông sản xuất khẩu chính của Đồng Nai với lợi thế có diện tích, sản lượng nằm trong tốp đầu cả nước.
EU cũng có nhu cầu nhập khẩu cao các loại trái cây, rau củ tươi. Những mặt hàng trái cây đang xuất khẩu tốt vào thị trường này gồm: xoài, thanh long… đều là những nông sản Đồng Nai có diện tích lớn, đã hình thành được vùng chuyên canh.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong trồng thanh long ruột đỏ theo chuẩn thị trường EU, ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) chia sẻ, tiêu chuẩn của thị trường EU khắt khe hơn hẳn so với những thị trường khác. Theo đó, quan trọng nhất là nông dân phải trồng theo quy trình sạch, nhất là không được sử dụng các chất hóa học nằm trong danh mục cấm của thị trường này.
Chuẩn bị mọi điều kiện để có thể xuất khẩu rau quả vào thị trường EU, Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt tại xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) đã làm chứng nhận GlobalGAP cho các sản phẩm rau quả trồng tại trang trại từ nhiều năm trước. Hiện doanh nghiệp này đã có đối tác đặt hàng dưa lưới xuất khẩu đi EU nên vừa mở rộng đầu tư với quy mô 30 nhà màng rộng khoảng 3ha. Theo ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt, hiện trang trại của doanh nghiệp đầu tư ở Đồng Nai và tỉnh Ninh Thuận đều đang thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ và đang trong quá trình làm chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm. Doanh nghiệp cũng chú trọng việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho nông sản, minh bạch mọi thông tin từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản nhằm tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm nơi khách hàng.
* Cần “nhạc trưởng” cho chuỗi liên kết
Nông sản xuất khẩu vào EU thường có giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường và luôn giữ được sự ổn định về giá mua cũng như sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường này không phải dễ vì yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm rất khắt khe; những tiêu chuẩn, đòi hỏi của họ cũng ngày càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng cao hơn các thị trường khác.
Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters (Hà Lan), chuyên gia marketing và thương mại trong lĩnh vực trồng trọt nhận xét, tuy yêu cầu của thị trường EU khá khắt khe nhưng trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được. Lợi thế về sự đa dạng cũng như về chất lượng, nông sản Việt có khả năng vươn xa hơn nữa khi tham gia thị trường này.
Chỉ ra điểm yếu cần khắc phục, ông Jos Leeters cho rằng phần hậu cần sau thu hoạch, logistics, nông sản Việt Nam còn nhiều điểm cần phát triển. Yếu tố quyết định là xây dựng được những chuỗi nông sản không chỉ đạt chuẩn mà còn phải ổn định về chất lượng. Ở đây, vai trò của doanh nghiệp xuất khẩu rất quan trọng. Họ phải là đầu tàu trong xây dựng chuỗi liên kết, nhất là trong quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng lẫn việc giám sát toàn bộ các yếu tố trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Tham gia hội nghị Nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân do Hội Nông dân Đồng Nai tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Hoàng Bá Nghị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nho Nho (TP.Cần Thơ) đánh giá, hiện nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là có những tập đoàn lớn ngày càng quan tâm đầu tư cả vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lẫn chế biến nông sản. Trong đó, họ ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất và chế biến. Các doanh nghiệp quan tâm đến việc khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là EVFTA vừa có hiệu lực. “Đồng Nai có thời tiết, đất đai thuận lợi, công nghệ sản xuất của nông dân ở mức cao. Ngoài ra, một lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển ngành chế biến nông sản là tất cả các vùng sản xuất nông nghiệp nằm gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp” - ông Nghị nói.
Ông Phạm Quốc Bảo, Giám đốc Công ty CP quốc tế Sao Nam (SANCOPACK) (TP.HCM) lại chỉ ra một thuận lợi khác cho nông dân và doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản vào thị trường EU hiện nay là các viện nghiên cứu của Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu những giải pháp, công nghệ hiện đại trong bảo quản, chế biến. Trong đó, nhiều công nghệ bảo quản Việt Nam đã tự sản xuất được góp phần giảm chi phí nên không chỉ các doanh nghiệp, chủ trang trại lớn mới ứng dụng được công nghệ này mà ngay cả những hộ nông dân vẫn có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại trong thu hoạch và bảo quản nông sản. Theo đó, thời gian bảo quản của nhiều mặt hàng trái cây tươi đã tăng lên đáng kể, nhờ đó, nhiều loại trái cây, rau củ tươi của Việt Nam đã xuất khẩu tốt vào thị trường EU bằng đường biển nên giảm chi phí rất nhiều so với giai đoạn trước đó chủ yếu xuất khẩu bằng đường hàng không.
Bình Nguyên