Năm 2020, dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ đạt 32-33 tỷ USD, giảm 6-7 tỷ USD so với năm trước. Dù thị trường xuất khẩu dệt may đang hồi phục, nhưng dự kiến sẽ khó về đích như kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm. Ngành dệt may của Đồng Nai cũng chịu khó khăn chung như cả nước.
Năm 2020, dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ đạt 32-33 tỷ USD, giảm 6-7 tỷ USD so với năm trước. Dù thị trường xuất khẩu dệt may đang hồi phục, nhưng dự kiến sẽ khó về đích như kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm. Ngành dệt may của Đồng Nai cũng chịu khó khăn chung như cả nước.
Sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) |
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Đồng Nai trong 10 tháng của năm 2020 ước đạt hơn 1,42 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020, ngành dệt may Đồng Nai dù có cố gắng khả năng chỉ đạt thêm 360-400 triệu USD.
* Khả năng “tăng trưởng âm”
Dệt may là một trong 5 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai, xếp thứ hai về kim ngạch xuất khẩu (sau giày dép). Tính từ đầu năm đến nay, 3/5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đang có mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, giày dép tăng trưởng âm 3%, dệt may âm 15%, xơ sợi dệt âm 24%. Âm 15% là mức giảm sâu nhất của ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây, nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 khiến nhiều thị trường trên thế giới phải tạm dừng giao thương hàng hóa.
Dự tính năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh chỉ đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm gần 200 triệu USD so với năm 2019 (tương đương với trên 10%). Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về xuất khẩu dệt may nên tăng trưởng âm sẽ ảnh hưởng chung đến toàn ngành trên cả nước. Điểm sáng là hiện các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may Đồng Nai đã nhận được những đơn hàng lớn, tăng so với 2-3 tháng trước đó, nhưng cũng chưa khôi phục được như đầu quý I-2020.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Hàng dệt may của công ty chủ yếu xuất khẩu vào Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, đơn hàng rất nhiều, thậm chí công ty làm không xuể và luôn nhận được đơn đặt hàng trước cả năm. Từ khi xảy ra đại dịch, nhiều đơn hàng đã tạm dừng hoặc bị hủy khiến sản xuất, xuất khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn. Đến nay, sản xuất đã dần được khôi phục, nhưng thị trường xuất khẩu vẫn chưa khơi thông hoàn toàn vì nhiều nước vẫn chưa khống chế được dịch bệnh”.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến hầu hết các DN trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, các DN thuộc ngành sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện, giày dép, sản phẩm gỗ có tốc độ phục hồi nhanh hơn. Dệt may là ngành bị tổn thương và phục hồi chậm hơn so với nhiều ngành khác.
* Giúp DN tìm đầu ra
Ngoài những hỗ trợ của Bộ Công thương trong việc khơi thông giao thương với các nước để DN dệt may nhận được thêm đơn hàng, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng tổ chức nhiều đợt kết nối cung - cầu với DN trong nước, nước ngoài bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp. Qua đó, các DN dệt may tại Việt Nam cũng ký kết thêm được một số đơn hàng để duy trì sản xuất và từng bước phục hồi.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Từ tháng 8-2020, DN ngành dệt may đã có đơn hàng trở lại nhưng chủ yếu là các đơn hàng nhỏ nên hoạt động sản xuất vẫn khó khăn. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn chưa khống chế được dịch bệnh Covid-19, sản phẩm dệt may vẫn bị hạn chế đầu ra. Năm 2020, xuất khẩu dệt may sẽ giảm sâu và khó đạt kế hoạch 40 tỷ USD”.
Trong 9 tháng của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 27 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, ảnh hưởng dịch bệnh với ngành dệt may Việt Nam khả năng sẽ kéo dài đến hết quý I-2021.
Để có thêm đơn hàng và duy trì việc làm cho người lao động, nhiều DN dệt may đã chuyển qua may thêm khẩu trang, quần áo bảo hộ xuất khẩu. Trong các tháng 8, 9, 10-2020, đơn hàng khẩu trang từ Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng khá cao, giúp nhiều DN tiếp tục sản xuất.
Theo ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), khi xảy ra dịch bệnh, các đơn hàng may mặc bị giảm và tạm dừng khá nhiều, công ty chuyển qua mở rộng sản xuất quần áo bảo hộ, may khẩu trang, vải không dệt tiêu thụ ở thị trường nội địa, xuất khẩu nên hoạt động ổn định, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, nhiều DN dệt may tại Đồng Nai có máy móc thiết bị đặc thù, khó chuyển đổi để may khẩu trang, đều phải giảm sản xuất từ 20-50%. “DN của tôi chuyên sản xuất các loại sợi, găng tay, bảo hộ lao động để bán tại thị trường trong nước, xuất khẩu. Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều công ty cho công nhân nghỉ việc, nhu cầu mặt hàng trên giảm mạnh, sản xuất của công ty bằng 60-70% so với cùng kỳ năm trước. Vì máy móc thiết bị không phù hợp nên công ty không chuyển qua may khẩu trang” - ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) chia sẻ.
Trong những tháng còn lại của năm 2020, các DN dệt may Đồng Nai và cả nước cũng đang tìm cách mở thêm thị trường tiêu thụ ở những nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do như: Hàn Quốc, Nga, Liên minh châu Âu... để tốc độ hồi phục ngành dệt may đạt nhanh hơn.
Uyển Nhi