Năm 2020 là năm thứ 16 kể từ khi Chính phủ chọn ngày 13-10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tại Đồng Nai, phương châm "đồng hành cùng DN" luôn được tỉnh xem là giải pháp quan trọng...
Năm 2020 là năm thứ 16 kể từ khi Chính phủ chọn ngày 13-10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ngay từ đầu năm, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân luôn nỗ lực để khắc phục, vượt qua khó khăn, khẳng định bản lĩnh, đi đầu trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Trong khó khăn, các doanh nghiệp ở Đồng Nai vẫn nỗ lực giữ vững mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa |
Tại Đồng Nai, là địa phương có số lượng DN, doanh nhân hàng đầu trong cả nước, phương châm “đồng hành cùng DN” luôn là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Nỗ lực vượt qua khó khăn
Có thể nói, năm 2020 là năm khó khăn nhất đối với doanh nhân, DN trong suốt nhiều năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các nước trên thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam. Từ chỗ tốc độ phát triển hằng năm từ 6-7% thì dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay qua các tính toán cho thấy chỉ vào khoảng 2%.
Dù dịch bệnh hiện đã được kiểm soát tương đối tốt song tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN rất lớn. Trong bối cảnh đó, cộng đồng DN, doanh nhân vừa phải ra sức khắc phục khó khăn, giữ ổn định sản xuất, vừa đồng hành với chính quyền trong việc ngăn chặn lây lan của dịch bệnh.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm, trong khó khăn, nhiều hội viên của Hội luôn hết sức nỗ lực để trụ vững, hơn thế còn liên tục phát triển. Đơn cử như Công ty CP An Phú Thịnh (H.Long Thành) chuyên sản xuất, cung ứng găng tay bảo hộ lao động và xơ, sợi dệt đã mở thêm nhà máy tại Nghệ An, hợp tác mở nhà máy ở Quảng Nam. Hoặc Công ty TNHH MTV Nệm Thế Linh (TP.Biên Hòa) xây dựng nhà xưởng mới, công suất sản xuất vẫn được giữ vững và việc làm cho người lao động luôn ổn định. Hay như DN gỗ Phương Sinh, dù ngành gỗ khá “điêu đứng”, song DN này mỗi tháng doanh thu từ cung ứng hàng hóa cho các đối tác vẫn đạt hơn 10 tỷ đồng. Đơn hàng sản xuất đã ký kết đến tận giữa năm 2021 nên DN này đang gấp rút để tuyển thêm khoảng 100 công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Nguyễn Hữu Hiểu cho rằng, dù khó khăn, các DN, doanh nhân vẫn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của mình và có đủ bản lĩnh để đương đầu, vượt qua thách thức, khó khăn. Sân chơi, đầu mối tập hợp, đoàn kết các DN, doanh nhân của tỉnh ngày càng nhiều.
Ngoài Hiệp hội DN thì phải kể đến Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã có 500 hội viên sinh hoạt tại 10 chi hội trên khắp địa bàn tỉnh. Nhiều DN trong số đó đang từng bước lớn mạnh, làm ăn sòng phẳng với quốc tế. Các lĩnh vực hoạt động của thành viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai rất đa dạng, từ sản xuất công nghiệp đến chế biến, sản xuất nông nghiệp, từ cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ đến dịch vụ vận tải, ăn uống, tiêu dùng... Các tổ chức hội khác như Mạng lưới Kinh doanh quốc tế (BNI) cũng đã có mặt ở Đồng Nai với gần 500 thành viên; Hiệp hội Gốm mỹ nghệ, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ, Hội Doanh nhân cựu chiến binh hay các hội doanh nhân của những địa phương ở Đồng Nai... là nơi tập hợp sức mạnh, liên kết doanh nhân cùng phát triển.
* Đồng hành, thúc đẩy, phát triển đội ngũ doanh nhân
Để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN, UBND tỉnh đang xây dựng đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025. Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện chính sách cho năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đề án này là 13,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Tổng kinh phí nói trên chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ mặt bằng sản xuất theo Nghị quyết số 200 năm 2019 của HĐND tỉnh; kinh phí hỗ trợ pháp lý; kinh phí hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kinh phí giúp DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Đây là những gói kinh phí lớn, được tính riêng và phân bổ theo hằng năm.
Theo đó, đề án hỗ trợ DN đề cập đến 9 nhóm vấn đề với rất nhiều nội dung. Mục tiêu của đề án mà Đồng Nai thực hiện nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trên địa bàn; phát huy nội lực của DN, thúc đẩy phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho tỉnh.
Phát biểu tại buổi họp mặt DN, hội viên nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam vừa được Hội Doanh nhân trẻ và Hiệp hội DN tỉnh tổ chức ngày 9-10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chúc mừng sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nhân, DN Đồng Nai nói chung và Hội Doanh nhân trẻ nói riêng, đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của DN, Doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2020, doanh nhân, DN gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song vẫn luôn nỗ lực vượt khó, cùng chính quyền ổn định tình hình kinh tế - xã hội và tạo đà cho bước phát triển kế tiếp.
Lãnh đạo tỉnh khẳng định DN, doanh nhân là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển của Đồng Nai. Với vị thế là địa phương cửa ngõ, thời gian tới, cùng với sự phát triển về hạ tầng, Đồng Nai sẽ tiếp tục là mảnh đất tiềm năng cho DN, doanh nhân tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn, khởi sự DN. “Đồng hành cùng DN” là khẩu hiệu xuyên suốt của Đồng Nai nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN sản xuất, kinh doanh và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của địa phương.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số kế hoạch dự kiến của tỉnh trong việc gặp gỡ doanh nhân, DN chưa thực hiện được. Với tư cách quản lý chính quyền, chúng tôi vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ trong năm nay của mình và đang “nợ” DN. Trong năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ thực hiện một chuyên đề đối thoại với DN, doanh nhân trẻ để các doanh nhân có thêm kênh nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nói. |
Văn Gia