Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN.
Theo đó, từ ngày 15-10, cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thành lập DN, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN.
Việc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin.
Cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan BHXH, cơ quan thuế không yêu cầu DN, chi nhánh, văn phòng đại diện cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, các thông tin về đăng ký DN đã được chia sẻ từ cơ quan đăng ký kinh doanh trừ tên, mã số DN, chi nhánh, văn phòng đại diện khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.
Với quyết định này, cộng đồng DN đang kỳ vọng tiếp tục được “giải tỏa” những rắc rối trong thực hiện các thủ tục và những phát sinh chi phí khi gia nhập thị trường. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, mặc dù liên tục có những động thái để cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ nhiều điều kiện kinh doanh song đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa trong giải quyết các thủ tục, hồ sơ...
Không những vậy, bên trong các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, phát sinh rất nhiều đầu mối làm tăng thủ tục hành chính, gây trì trệ bộ máy, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước bởi các lĩnh vực bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát.
Để đưa nền kinh tế phát triển bền vững, nhanh, mạnh thì điều tất yếu là phải tạo điều kiện cho DN, nhất là những DN mới gia nhập thị trường. Đây cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tuc thực hiện. Thực tiễn chứng minh, việc thống nhất đầu mối trong công tác quản lý, hỗ trợ DN sẽ giúp các địa phương tập trung nguồn lực, đồng thời tạo sự phối hợp chặt chẽ khi xác định rõ trách nhiệm ở từng khâu công việc, từng cá nhân, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, DN cũng có thêm thời gian, nhân lực để tập trung phát triển ý tưởng sản xuất, kinh doanh thay vì phải quá tốn kém để giải quyết những thủ tục phát sinh, mà nhiều khi giải quyết xong, các ý tưởng kinh doanh của họ đã trở nên lỗi thời.
Văn Gia