Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án

11:10, 09/10/2020

Đồng Nai đang triển khai hơn 1 ngàn dự án trên các lĩnh vực, nhưng phần lớn là những công trình hạ tầng kỹ thuật. Hầu hết, các dự án của Đồng Nai đều phải thu hồi đất và khâu khó khăn nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đồng Nai đang triển khai hơn 1 ngàn dự án trên các lĩnh vực, nhưng phần lớn là những công trình hạ tầng kỹ thuật. Hầu hết, các dự án của Đồng Nai đều phải thu hồi đất và khâu khó khăn nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Dự án đường ven sông Cái chậm triển khai do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
Dự án đường ven sông Cái chậm triển khai do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Theo lãnh đạo một số huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, thời gian qua, giá đất trong tỉnh tăng khá cao dẫn đến việc tính toán giá bồi thường để thu hồi đất khó khăn hơn. Nhiều người dân chưa đồng thuận giao đất vì cho rằng, giá đất bồi thường quá thấp so với giá giao dịch ngoài thị trường tự do.

*Dự án bị chậm lại

Hiện nay, có hàng trăm dự án trên địa bàn tỉnh đang bị chậm tiến độ do chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không có đất sạch giao cho chủ đầu tư để thi công. Trong đó, có những dự án trọng điểm của tỉnh như: đường ven sông Cái, hương lộ 2, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (TP.Biên Hòa); Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom); Cụm công nghiệp Hưng Lộc (H.Thống Nhất); Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, Khu đô thị Amata (H.Long Thành)...

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: “TP.Biên Hòa có nhiều dự án phải thu hồi đất của người dân và phải bố trí tái định cư. Tuy nhiên hiện các khu tái định cư chưa hoàn thành để bố trí người dân đến nơi ở mới nên không thể thu hồi đất. Bên cạnh đó, một số người dân cũng chưa thống nhất với giá bồi thường. Vì thế, nhiều dự án trên địa bàn TP.Biên Hòa bị chậm lại”.

Có những dự án do khâu bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài thêm 3-5 năm so với lộ trình đề ra. Mới đây, giá đất trên địa bàn được điều chỉnh tăng cao cũng khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lại vốn đầu tư.

Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất cho hay: “Tại Cụm công nghiệp Hưng Lộc trước đây, tiền bồi thường chỉ gần 50 tỷ đồng, nhưng vướng mắc ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng nên tiền bồi thường đất hiện tăng lên hơn 100 tỷ đồng. Việc này khiến chủ đầu tư gặp khó khăn, tiến độ công trình bị ách lại”.

Theo giá đất mới giai đoạn 2020-2024 được UBND tỉnh phê duyệt từ đầu năm thì nhiều khu vực giá đất tăng từ 1,5-5 lần so với giai đoạn trước. Do đó, giá bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất bị đội lên khá cao cũng gây cản trở cho các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ngoài ngân sách.

* Khó giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2020, tổng vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 25 ngàn tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương hơn 17,2 ngàn tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương gần 7,8 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương phần lớn dành cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vốn ngân sách địa phương được dùng đầu tư cho các dự án cấp tỉnh, huyện. Đến nay, giải ngân vốn ngân sách của tỉnh mới đạt gần 40%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhận xét: “Các dự án đầu tư công triển khai chậm sẽ kéo theo việc khó giải ngân vốn. Và những công trình đầu tư bằng vốn ngân sách phần lớn là hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, các dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của địa phương”. Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, năm 2020, kế hoạch Chính phủ giao cho Đồng Nai phải giải ngân vốn đầu tư công được trên 95%. Thời gian còn lại chưa đầy 3 tháng, các địa phương phải chạy nước rút trong việc thực hiện các dự án để giải ngân được nguồn vốn đã phân bổ.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, năm nay, nhiều dự án chậm tiến độ là do đầu năm gặp vướng mắc ở một số chính sách mới, đến cuối tháng 3 mới tháo gỡ được. Trong đó, nhiều dự án phải bổ sung hồ sơ, tính toán lại chi phí đầu tư nên đã chậm thời gian thi công, khởi công theo kế hoạch tỉnh giao. Tuy nhiên, các huyện, thành phố đều khẳng định đến cuối năm 2020 sẽ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% theo kế hoạch được giao.

Thời gian còn lại của năm 2020 là gần 3 tháng, nếu hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương trong tỉnh phải giải ngân hết hơn 4 ngàn tỷ đồng. Đây là bài toán khó cho các chủ đầu tư dự án đầu tư công. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nếu các công trình, dự án không giải ngân hết nguồn vốn đã giao trong năm nay thì năm tới, tỉnh sẽ không bố trí thêm nguồn vốn cho dự án”.

Hiện các địa phương đang dồn lực để đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, giao đất sạch cho chủ đầu tư thi công để giải ngân kịp tiến độ.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều