Những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp ở Đồng Nai diễn ra khá sôi động, nhất là khi tỉnh có thêm nhiều chương trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp…
Những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp ở Đồng Nai diễn ra khá sôi động, nhất là khi tỉnh có thêm nhiều chương trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp…
Một mô hình khởi nghiệp sản xuất rau thủy canh tại TP.Long Khánh. Ảnh: Hải Quân |
Phong trào khởi nghiệp tại Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua với nhiều dự án khởi nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với phát triển cộng đồng…
* Phát huy các tiềm năng, thế mạnh địa phương
Anh Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Bói Cá Việt - Viet Kingfisher (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, dự án Bà Đất Homestay của công ty là mô hình phát triển du lịch dựa trên sự kết hợp khai thác những thế mạnh du lịch homestay của địa phương gắn với các hoạt động xã hội bảo vệ môi trường, tổ chức dịch vụ tour cộng đồng đem đến những cơ hội phát triển đời sống tốt hơn cho người dân địa phương.
Đồng Nai được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn trong hoạt động bán lẻ bởi tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số trẻ chiếm tỷ lệ khá cao nên có xu hướng thích trải nghiệm và mua sắm tạo nên sức mua tốt. Vì vậy, tại Đồng Nai, ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ, lựa chọn xu hướng khởi nghiệp với mô hình dịch vụ, kinh doanh theo chuỗi.
Từng là một trong 10 thanh niên được Tỉnh đoàn Đồng Nai trao giải Gương mặt trẻ tiêu biểu vào năm 2018, anh Hà Vũ Bảo Giang, Giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền cà phê G.T, đơn vị quản lý chuỗi cửa hàng theo hình thức nhượng quyền thương hiệu Z!Café cho biết, công ty đã phát triển, mở rộng nhiều chi nhánh, cửa hàng nhượng quyền ở TP.Biên Hòa và H.Long Thành. Công ty luôn chú trọng tái đầu tư vào thương hiệu, cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường, hướng tới các hoạt động tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường…
Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, Đồng Nai là địa phương năng động, có nhiều lợi thế để phát triển các mô hình khởi nghiệp. Các bạn trẻ trước khi muốn khởi nghiệp nên học hỏi, trau dồi những kiến thức về pháp lý, quản trị nhân sự. Đặc biệt, những kiến thức, kế hoạch về tài chính là rất quan trọng đối với các mô hình khởi nghiệp, những mô hình kinh doanh sáng tạo hay các trào lưu mới trên thị trường, phát huy các thế mạnh sẵn có của địa phương…
* Đón đầu xu thế đổi mới sáng tạo
Trong thời gian qua, tỉnh đã thành lập Hội đồng Tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai, ban hành kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018-2023 nhằm tạo động lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh và phát huy tiềm năng phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp của Đồng Nai. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai (www.startupdongnai.gov.vn), thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức hằng năm sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là đối với giới trẻ. Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về hoạt động trên lĩnh vực này, cũng như có thể tạo điều kiện cho việc hình thành doanh nghiệp khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, không gian làm việc chung hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, tổ chức các lớp đào tạo nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh liên kết với mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, mạng lưới các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư; đồng thời tập trung nghiên cứu các đề tài khoa học ứng dụng công nghệ cao…
Theo nhiều chuyên gia về khởi nghiệp, để phong trào khởi nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng, Đồng Nai cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tạo điều kiện nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, truyền thông, tổ chức các sự kiện chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp; tăng tính liên kết vùng, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với các địa phương khác…
Tại hội thảo Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được tổ chức tại Đồng Nai vào tháng 10-2019, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cần chủ động đánh giá những tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, các địa phương cần có cách tiếp cận mới với công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và chú trọng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Lam Phương