Những tháng cuối năm, công tác quản lý thị trường (QLTT) đối với hoạt động kinh doanh các loại thực phẩm ngày càng được chú trọng, tăng cường.
Những tháng cuối năm, công tác quản lý thị trường (QLTT) đối với hoạt động kinh doanh các loại thực phẩm ngày càng được chú trọng, tăng cường.
Lực lượng quản lý thị trường thuộc Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành lấy mẫu bún, mọc để kiểm tra hàn the tại một quán ăn ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: L. Phương |
Vừa qua, Cục QLTT đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đợt cao điểm kiểm tra, tuyên truyền về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
* Nỗi lo về thực phẩm không an toàn
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một số trường hợp nghi bị ngộ độc thực phẩm do sử dụng pate Minh Chay của Công ty TNHH HTV Lối sống mới, phải cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Điều này khiến cho nhiều người lo lắng trước những loại thực phẩm chay đóng gói. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm chay trên địa bàn.
Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm trên lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Các vi phạm chủ yếu như: giết mổ tại địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; vận chuyển động vật chết, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, thú y…
Ngoài ra, hiện nay, có khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua thực phẩm trên các trang mạng xã hội và tin tưởng vào những lời quảng cáo “có cánh” như: “thực phẩm quê”, “thực phẩm nhà làm uy tín, chất lượng”, “thực phẩm sạch 100%”... Những loại thực phẩm này được giới thiệu là do chính người bán hay người thân trong gia đình tự tay chế biến từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng sạch, an toàn hay được lựa chọn kỹ lưỡng từ những nhà cung cấp uy tín; đồng thời, kèm theo cam kết không thêm chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi độc hại...
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở kinh doanh xây dựng được thương hiệu thực phẩm “nhà làm” thực sự đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cũng có không ít trường hợp người tiêu dùng mua phải các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng.
Việc mua các loại thực phẩm sạch, thủ công hiện rất phổ biến vì người tiêu dùng đã chú trọng đến yếu tố tiêu dùng “xanh, sạch, lành”, hướng tới bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu mua phải loại thực phẩm đội lốt “thực phẩm sạch” vì người tiêu dùng không thể biết rõ nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, cách bảo quản, hạn sử dụng... như thế nào, có đúng như lời quảng cáo hay không.
Bà Kim Phượng, người dân ngụ P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho hay, do công việc bận rộn nên bà thường xuyên phải mua hàng online, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, cho đến thực phẩm chế biến nhà làm hoặc đặc sản vùng miền, hàng quê sạch từ những người quen uy tín và các hội, nhóm trên mạng xã hội. “Vào đợt Tết vừa rồi, được người quen giới thiệu nên tôi có đặt các món nem chua rán, chả cốm ở một “cơ sở nhà làm” trên Facebook. Tuy nhiên, gần 1 tuần sau khi tôi lấy ra dùng thì các món này có dấu hiệu lên men, có mùi chua và nhão, không còn nguyên vẹn như ban đầu. Tôi có phản hồi với người bán thì được giải thích là do không biết cách bảo quản nên thực phẩm đã hư, không thể dùng được” - bà Kim Phượng chia sẻ.
* Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền
Mới đây, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT Đồng Nai) đã phối hợp với các lực lượng chức năng gồm: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế TP.Biên Hòa, Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu… tổ chức đợt tuyên truyền, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 12 trường hợp vi phạm liên quan đến kinh doanh ăn uống sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; kinh doanh ăn uống không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không thực hiện niêm yết giá... Dịp này, Đội QLTT số 2 cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện treo băng rôn tuyên truyền và đưa tin về hoạt động tuyên truyền, ký cam kết và kiểm tra, xử lý vi phạm của đoàn kiểm tra theo quy định.
Ông Võ Thái, Phó cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai kiêm phụ trách Đội QLTT số 2 chia sẻ, trong thời gian tới, lực lượng QLTT trong tỉnh nói chung và trên địa bàn các thành phố lớn như TP.Biên Hòa nói riêng sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, tuyên truyền, xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm, quán ăn, cơ sở sản xuất thực phẩm, chất phụ gia… trên địa bàn.
Trong những tháng cuối năm nay, Cục QLTT Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ, các cơ sở kinh doanh, giết mổ trên địa bàn…
Lam Phương