Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường khai thác thị trường nội địa

03:10, 13/10/2020

Tuy xuất khẩu đang dần khôi phục, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai vẫn tăng cường khai thác thị trường trong nước để có đầu vào, đầu ra ổn định hơn. DN quan tâm đến thị trường nội địa sẽ mở ra nhiều cơ hội trong kết nối cung - cầu.

Tuy xuất khẩu đang dần khôi phục, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai vẫn tăng cường khai thác thị trường trong nước để có đầu vào, đầu ra ổn định hơn. DN quan tâm đến thị trường nội địa sẽ mở ra nhiều cơ hội trong kết nối cung - cầu.

Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa) kết nối cho nhiều doanh nghiệp ngành gỗ
Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa) kết nối cho nhiều doanh nghiệp ngành gỗ

Năm nay do ảnh hưởng xấu từ đại dịch Covid-19, giao thương hàng hóa với nhiều nước bị hạn chế, vì thế Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành trên cả nước phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước, nhằm hỗ trợ DN tăng thị phần trong nước.

* Quay về “sân nhà”

Từ cuối tháng 2-2020, các DN tại Đồng Nai bắt đầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản xuất thiếu nguyên liệu đầu vào, đầu ra sản phẩm khó khăn vì nhiều khách hàng tạm dừng hoặc hủy đơn hàng.  Đến cuối tháng 6-2020, xuất khẩu mới dần dần hồi phục, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu chính của Đồng Nai như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Việc mở thị trường mới cũng hạn chế vì nhiều đường bay quốc tế tạm dừng. Trước tình hình trên, nhiều DN đã tìm cách quay về bán hàng trên “sân nhà”.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai cho biết: “Trước đây, mặt hàng may mặc của công ty chủ yếu xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Từ khi xảy ra dịch, công ty mở rộng thêm may khẩu trang, quần áo bảo hộ cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu nên sản xuất ít bị ảnh hưởng”.

Lâu nay, nhiều DN ở Đồng Nai chỉ chú ý đến thị trường ngoại, bỏ ngỏ “sân nhà” với hơn 97 triệu dân cho hàng Trung Quốc và hàng từ các nước ASEAN chiếm lĩnh. Vì thế, đây là dịp để các DN chú ý nhiều hơn đến thị phần trong nước.

Bà Phạm Thị Phương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Chemtrovina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Công ty sản xuất linh kiện điện tử để xuất khẩu, xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều DN ở nước ngoài phải tạm dừng sản xuất nên các đơn hàng đã bị ngưng lại. Do đó, công ty phải tìm thêm khách hàng tại Việt Nam để duy trì sản xuất, kinh doanh và đảm bảo việc làm cho người lao động”.

Một số DN khác cho rằng, thị trường trong nước là cứu cánh cho họ trong 4-6 tháng qua. Thực tế, từ trước đến nay, khâu liên kết giữa các DN chưa tốt nên cùng một mặt hàng là đầu ra của công ty này và là đầu vào của công ty kia, nhưng cung - cầu chưa gặp nhau nên công ty này đưa đi xuất khẩu, công ty kia lại nhập khẩu về để sản xuất. Đây là bất cập lớn tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các tỉnh, thành hỗ trợ DN kết nối mở rộng tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước.

* Xúc tiến thương mại tại chỗ

Khoảng 3-4 năm trở lại đây, Đồng Nai đã chú ý đến việc xúc tiến thương mại tại chỗ để giúp các DN trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp đồng, cung ứng hàng cho nhau, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Kết quả, có nhiều DN tìm được đối tác để liên kết bán hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) cho hay: “Mỗi năm, trung tâm đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại trong nước, nước ngoài để các DN trong nước, FDI gặp gỡ, tìm thêm cơ hội hợp tác. Tuy nhiên năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên trung tâm chỉ xúc tiến thương mại trong nước, tại chỗ, trực tuyến để hỗ trợ DN mở thêm kênh tiêu thụ nội địa”.

Qua các đợt xúc tiến thương mại trong nước, các DN đã ký kết được hợp đồng cung ứng sản phẩm cho nhau, ký kết biên bản ghi nhớ. Bên cạnh đó, các DN cũng học hỏi, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm để từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, tìm thêm khách hàng trong nước.

Ngoài ra, có một số DN chuyên cung ứng đầu vào cho các công ty sản xuất tại Đồng Nai cũng tự kết nối những DN cùng ngành hàng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu vào cho nhau, chia sẻ những đơn hàng lớn, tạo thêm việc làm, doanh thu.

Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty phân phối nguyên liệu gỗ cho hàng trăm DN trong nước và đã liên kết được khoảng 60 DN chuyên sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Công ty dành ra mặt bằng lớn, cho DN gỗ thuê lại để trưng bày sản phẩm và thường xuyên tổ chức các đợt gặp gỡ khách hàng trong nước, nước ngoài để có thêm cơ hội hợp tác, mua bán sản phẩm của nhau”.

 Khi xảy ra dịch bệnh, nhiều DN trong nước, DN FDI tại Đồng Nai đã chú ý hơn đến việc tìm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam để chủ động sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, bắt nhịp kịp thời các ưu đãi từ CPTPP, EVFTA... đồng thời tăng thị phần với thị trường hơn 97 triệu dân có sức tiêu thụ khá lớn.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều