(ĐN)- Hội đồng Thẩm định nhà nước đã kiến nghị một số nội dung đáng chú ý về chủ đầu tư các dự án thành phần trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 trình Thủ tướng Chính phủ.
(ĐN)- Hội đồng Thẩm định nhà nước đã kiến nghị một số nội dung đáng chú ý về chủ đầu tư các dự án thành phần trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 trình Thủ tướng Chính phủ.
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành |
Cụ thể, với dự án thành phần 1 xây dựng các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, kiến nghị giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (hải quan, công an, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm tiến độ.
Với dự án thành phần 2 xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, kiến nghị chủ đầu tư là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Với dự án thành phần 3 xây dựng các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện, kiến nghị chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Với dự án thành phần 4 xây dựng các công trình dịch vụ, các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GT-VT chủ trì lựa chọn.
Về nguồn vốn đầu tư, đối với dự án thành phần 1, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của các cơ quan chủ quản công trình hoặc huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các dự án thành phần 2, 3, 4 sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Dự án xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất, hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 109 ngàn tỷ đồng.
Phạm Tùng