Báo Đồng Nai điện tử
En

Gà ta và vịt đứng trước khủng hoảng thừa

08:10, 26/10/2020

Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề nuôi heo, chuyển hướng sang các mô hình chăn nuôi khác, trong đó chủ yếu là nuôi vịt và gà ta thả vườn.

Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề nuôi heo, chuyển hướng sang các mô hình chăn nuôi khác, trong đó chủ yếu là nuôi vịt và gà ta thả vườn. Do vậy, mặt hàng gà ta thả vườn liên tục rơi vào cảnh rớt giá do nguồn cung lớn hơn cầu.

Người nuôi gà ta thả vườn điêu đứng vì giá giảm sâu. Trong ảnh: Trại nuôi gà ta thả vườn ở xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ)
Người nuôi gà ta thả vườn điêu đứng vì giá giảm sâu. Trong ảnh: Trại nuôi gà ta thả vườn ở xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ)

Khoảng 1 tháng nay, vịt, gà ta thả vườn lại rơi vào cơn khủng hoảng mới khi giá bán ra tại trại thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất. Nhiều người nuôi phá sản, không tái đàn vụ Tết Nguyên đán 2021 dù đây là cơ hội tốt nhất trong năm về thị trường của mặt hàng này.

* Giá thấp chưa từng thấy

Suốt cả tháng nay, giá vịt thịt và gà ta thả vườn đều dưới 30 ngàn đồng/kg, thấp hơn cả chục ngàn đồng/kg so với giá thành sản xuất mà nhiều trại nuôi vẫn không bán được hàng khiến người nuôi thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Hoàng Sự, chủ trại nuôi gà ta thả vườn tại xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) xót xa: “Tôi nuôi gà ta thả vườn mười mấy năm nay, chưa bao giờ thấy giá bán xuống thấp như hiện nay, có thời điểm, giá gà rớt xuống chỉ còn hơn 20 ngàn đồng/kg. Lứa rồi, tôi xuất 8 ngàn con gà ta thả vườn, lỗ 400-500 triệu đồng”.

Theo ông Sự, khó khăn lớn nhất là giá gà rớt xuống thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất nhưng người nuôi vẫn không tiêu thụ được hàng. Ông Sự so sánh, trước đây, mỗi lần chủ trại xuất gà, thương lái có thể mua cả ngàn con thì nay do thị trường tiêu thụ chậm, nguồn cung lại quá dồi dào nên họ chỉ bắt lẻ vài trăm con, thậm chí vài chục con. Lứa gà 4 ngàn con của ông Sự bán hơn 2 tháng nay chỉ mới được một nửa, giá thấp, gà tồn khiến người nuôi càng lỗ vốn.

Cùng nỗi lo, ông Hồ Ngọc Thành, người nuôi gà ta thả vườn ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) nhận xét, trước đây vùng này giàu lên nhờ con gà ta thả vườn thì nay người nuôi đều thua lỗ nặng. Nguyên nhân do nhà đầu tư nuôi gà thả vườn, nguồn cung tăng mạnh trong khi thị trường tiêu thụ chậm hơn nhiều so với trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến gà ta thả vườn liên tục lâm vào cảnh tồn hàng, rớt giá. “Trước đây, thương lái ở nhiều tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận... đều đổ về thủ phủ nuôi gà ta thả vườn Bình Sơn gom hàng, mỗi đợt bắt lên đến hàng ngàn con thì nay, chủ trại gọi ai họ cũng từ chối vì người dân các tỉnh đều đổ xô nuôi gà ta thả vườn. Hiện chỉ có vài thương lái tại địa phương mua hàng, họ cũng thường mua lẻ vài chục đến vài trăm con vì thị trường tiêu thụ chậm” - ông Thành nói. 

* E ngại đầu tư vụ Tết

Theo người nuôi gà ta thả vườn, sau dịch tả heo châu Phi, hàng loạt hộ nuôi heo nhỏ lẻ bỏ nghề chuyển sang mô hình nuôi gà ta thả vườn. Các hộ đua nhau nuôi gà ta thả vườn vì mô hình này không cần vốn đầu tư quá lớn về chuồng trại, người nuôi có thể tận dụng lại khu chuồng trại nuôi heo cũ để nuôi gà thả vườn.

Bà Nguyễn Thị Thảo, người nuôi vịt tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) cho biết, cả tháng nay, giá vịt thịt xuống dưới 30 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Vịt rớt giá do nguồn cung quá dồi dào trong khi thị trường tiêu thụ lại chậm. Vụ Tết Nguyên đán 2021, bà Thảo không tái đàn vì e ngại càng nuôi càng lỗ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi gà ta thả vườn trên địa bàn tỉnh e ngại mà chưa nhập giống tái đàn vụ Tết Nguyên đán 2021 dù đây là vụ nuôi được kỳ vọng nhất trong cả năm.

Hiện nay, giá con giống gà, vịt cũng giảm mạnh so với trước. Cụ thể, giá con giống gà thả vườn vụ Tết thường ở mức 22-25 ngàn đồng/con thì nay còn 12-13 ngàn đồng/con; giống gà Lương Phượng từ 13,5 ngàn đồng/con hiện còn 7 ngàn đồng/con...

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhận xét: “Hiện nhiều trại cung cấp giống gà, vịt phải đốt bỏ con giống vì bán giống giá rẻ cũng không có người nuôi. Nguyên nhân vì giá vịt thịt, gà ta thả vườn rớt giá mạnh”. Theo ông Quyết, không như gà công nghiệp, đa số các trại nuôi đều tham gia chuỗi liên kết, đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định, nuôi vịt thịt và gà ta thả vườn hiện vẫn chạy theo phong trào, đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Khi người nuôi tăng đàn quá nhanh trong khi thị trường tiêu thụ lại chậm hơn nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những mặt hàng này lâm vào khủng hoảng thừa.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt gần 29 triệu con, tăng gần 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng đàn gà đạt gần 26,9 triệu con, tăng gần 4,9% so với cùng kỳ. Đàn vịt đạt trên 2 triệu con, tăng hàng trăm ngàn con so với cùng kỳ.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều