Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành

04:10, 30/10/2020

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 450 tấn/ngày tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) nếu hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối năm nay sẽ đưa tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt của toàn tỉnh về dưới 15% theo Nghị quyết số 14/NQ-TU năm 2020 của Tỉnh ủy.

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 450 tấn/ngày tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) nếu hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối năm nay sẽ đưa tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt của toàn tỉnh về dưới 15% theo Nghị quyết số 14/NQ-TU năm 2020 của Tỉnh ủy.

Thi công xưởng chứa chất thải tinh chế tại Khu xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:H. Lộc
Thi công xưởng chứa chất thải tinh chế tại Khu xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:H. Lộc

Hiện tại, chủ đầu tư đang cho thi công ngày đêm để kịp đưa nhà máy vào vận hành theo yêu cầu của tỉnh.

* Vận hành nhà máy xử lý rác vào cuối tháng 11-2020

Dự án Khu xử lý (KXL) chất thải sinh hoạt và công nghiệp ở xã Vĩnh Tân được tỉnh giao cho Công ty CP Môi trường Sonadezi làm chủ đầu tư từ năm 2014. Sau khi thực hiện điều chỉnh vào năm 2018, dự án có diện tích 21,7ha, tổng công suất chôn lấp 1,2 triệu tấn chất thải, trong đó, chất thải rắn sinh hoạt là 450 tấn/ngày.

Theo Sở TN-MT, Đồng Nai hiện có 5 khu đang tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có 2 khu đảm bảo được chỉ tiêu chôn lấp rác dưới 15% theo quy định là: KXL chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất), do Công ty CP Dịch vụ Sonadezi làm chủ đầu tư, công suất xử lý 1,1 ngàn tấn/ngày, tỷ lệ chất thải trơ chôn lấp là 14,5%; KXL chất thải tại xã Túc Trưng (H.Định Quán) của Công ty TNHH Thương mại xây dựng Đa Lộc, xử lý khoảng 110 tấn/ngày, tỷ lệ chôn lấp là 10%. Các khu khác chủ yếu xử lý bằng cách chôn lấp thông thường gây lãng phí tài nguyên, tốn kém chi phí thu gom, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và không đáp ứng yêu cầu của tỉnh.

Tháng 8-2020, chủ đầu tư đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy xử lý chất thải  sinh hoạt làm phân compost công suất 450 tấn/ngày. Việc khởi công nhà máy xử lý chất thải này có ý nghĩa quan trọng, vì sẽ góp phần đưa tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt về dưới 15% theo nghị quyết của Tỉnh ủy.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, với một tỉnh đông dân như Đồng Nai việc đảm bảo thu gom 100% rác thải sinh hoạt, trong đó phải xử lý để giảm tỷ lệ chất thải trơ chôn lấp về dưới 15% là rất khó. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ chôn lấp đã về dưới 30%, một tỷ lệ khá so với các tỉnh đông dân. Cũng theo ông Đức, nếu nhà máy xử lý rác thành phân compost công suất 450 tấn/ngày ở H.Vĩnh Cửu đi vào hoạt động vào cuối năm nay như cam kết của chủ đầu tư thì tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt sẽ về dưới 15% theo nghị quyết Tỉnh ủy. Hiện Sở TN-MT và các đơn vị liên quan đang theo dõi và giám sát tiến độ thực hiện công trình.

Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi, chủ đầu tư dự án cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhà máy đã hoàn thành được khoảng 3/4 khối lượng xây lắp. Trong đó, một xưởng tinh chế và lưu phân đã hoàn thành. Các xưởng còn lại, KXL nước rỉ rác dự kiến hoàn thành trong năm nay. Máy móc, thiết bị đã nhập về và thực hiện lắp đặt từ ngày 27-10 chuyên gia nước ngoài cũng đã hoàn thành cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Dự kiến, đến ngày 20-11 sẽ vận hành thử nghiệm và đầu tháng 12 có thể chạy chính thức. Khi đó, 450 tấn chất thải/ngày (khoảng 400 tấn của TP.Biên Hòa và 100 tấn của H.Vĩnh Cửu) sẽ được xử lý làm phân compost, tỷ lệ chôn lấp chất thải trơ dưới 15%.

Theo ông Dũng, tương lai KXL này có thể tăng khả năng tiếp nhận 700 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Việc tăng công suất tiếp nhận nhằm giảm áp lực rác thải sinh hoạt dồn về nhà máy xử lý ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) và giữ tỷ lệ chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt dưới 15% theo yêu cầu của tỉnh.

* Đầu tư khu bùn thải hầm cầu theo quy chuẩn

Bên cạnh nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, KXL chất thải sinh hoạt và công nghiệp ở xã Vĩnh Tân cũng đầu tư hệ thống xử lý bùn thải hầm cầu công suất 100m3/ngày đêm.

Lắp ráp dây chuyền xử lý rác thải thải làm phân bón tại KXL chất thải sinh hoạt và công nghiệp ở xã Vĩnh Tân
Lắp ráp dây chuyền xử lý rác thải thải làm phân bón tại KXL chất thải sinh hoạt và công nghiệp ở xã Vĩnh Tân. Ảnh:H. Lộc

Ông Trần Anh Dũng cho rằng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều doanh nghiệp, tư nhân kinh doanh dịch vụ thu gom bùn thải hầm cầu, tuy nhiên chưa có đơn vị nào (kể cả đơn vị được cấp phép) đứng ra xử lý loại chất thải này. Chất thải hầm cầu vừa có yếu tố chất thải nguy hại vừa có yếu tố dịch tễ, nên quy trình xử lý khá phức tạp và tốn kém. Nếu không được xử lý đúng theo quy trình, chất thải này dễ phát sinh dịch bệnh và nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Dự kiến KXL bùn thải hầm cầu sẽ hoàn thành và vận hành cùng với nhà máy xử lý rác thải làm phân bón. Đây sẽ là KXL bùn thải hầm cầu theo quy chuẩn của Bộ TN-MT đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, đơn vị sẽ liên hệ xử lý bùn thải hầm cầu các khu công nghiệp để giảm khí thải nitơ. Sau đó sẽ thu gom loại chất thải này ở các cơ quan, khu chung cư, bệnh viện, hộ gia đình và xử lý lại cho các đơn vị thu gom nhằm hạn chế tình trạng đổ trộm bùn thải chưa qua xử lý ra môi trường.

                Hoàng Lộc

Tin xem nhiều