Báo Đồng Nai điện tử
En

Dịch khảm lá mì lây lan trên diện rộng

05:10, 09/10/2020

Khảm lá là một trong những dịch hại nguy hiểm đối với cây mì trên thế giới và ở Việt Nam vì dịch này chưa có thuốc đặc trị nên không xử lý được dứt điểm. Điều đáng báo động là vụ sản xuất năm nay, dịch khảm lá đang lây lan theo cấp số nhân trên địa bàn tỉnh khiến nông dân trồng mì gặp nhiều khó khăn.

Khảm lá là một trong những dịch hại nguy hiểm đối với cây mì trên thế giới và ở Việt Nam vì dịch này chưa có thuốc đặc trị nên không xử lý được dứt điểm. Điều đáng báo động là vụ sản xuất năm nay, dịch khảm lá đang lây lan theo cấp số nhân trên địa bàn tỉnh khiến nông dân trồng mì gặp nhiều khó khăn.

Nông dân lo lắng vì dịch khảm lá mì lây lan nhanh. Trong ảnh: Vùng trồng mì bị nhiễm bệnh khảm lá ở xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc
Nông dân lo lắng vì dịch khảm lá mì lây lan nhanh. Trong ảnh: Vùng trồng mì bị nhiễm bệnh khảm lá ở xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc. Ảnh:B. Nguyên

Hiện tổng diện tích mì trên toàn tỉnh đạt trên 13,6 ngàn ha nhưng có đến hơn 9 ngàn ha bị nhiễm dịch khảm lá. Diện tích bị nhiễm tăng nhanh so với mọi năm và nguy cơ dịch này tiếp tục lây lan là rất lớn.

* Tăng theo cấp số nhân

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá mì tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 9 ngàn ha diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá, trong đó, hàng ngàn ha bị nhiễm nặng với tỷ lệ cây bị nhiễm hơn 70%. Các địa phương có diện tích nhiễm bệnh khảm lá mì nặng gồm: H.Xuân Lộc, H.Long Thành, H.Cẩm Mỹ...

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, sau khi ký các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), sản phẩm tinh bột mì rất có lợi thế xuất khẩu. Đây là một trong những sản phẩm cạnh tranh rất tốt trong thời gian tới. Theo đó, Bộ NN-PTNT đang triển khai chương trình sản xuất giống mì sạch, với tiến độ hiện nay, khoảng 2-3 năm mới có khả năng có giống mới đáp ứng được các yêu cầu năng suất, độ bột cao, kháng bệnh khảm lá thay thế giống cũ.

Dịch khảm lá mì lan rộng do nhiều nguyên nhân như: người dân thường lấy cây giống trên ruộng trồng vụ trước để trồng lại trong đó có những cây giống đã nhiễm bệnh; chưa thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, trừ dịch; công tác thông tin, tuyên truyền của các địa phương chưa phát huy hiệu quả trong đó có việc khuyến cáo, vận động nông dân trên địa bàn không trồng giống mì mẫn nhiễm cao với bệnh khảm lá...

Ông Hoàng Ngọc Tân, nông dân trồng mì với diện tích lớn tại TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất) lo lắng, năm ngoái khu vực này hầu như chưa bị dịch khảm lá mì, có nhiễm tỷ lệ cũng thấp nhưng hiện nay, rẫy nào cũng bị nhiễm, tỷ lệ diện tích mì nhiễm nặng tăng cao. Khó khăn lớn nhất với nông dân là mãi loay hoay vẫn chưa tìm ra cách phòng trừ hiệu quả. Nông dân xịt nhiều loại thuốc để trừ bọ phấn trắng mà không trị tận gốc được. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho cây trồng đều tăng hơn nhiều so với cây không bị bệnh mà cầm chắc năng suất cây trồng sẽ giảm.

Ông Tân so sánh, chi phí đầu tư cho 1ha cây mì thường từ 32-35 triệu đồng thì nay tăng lên khoảng 40 triệu đồng. Khó khăn lớn nhất của nông dân trồng mì hiện nay là chi phí đầu tư tăng nhưng vườn mì vẫn nhiễm bệnh, nguy cơ đến khi thu hoạch năng suất và cả độ bột sẽ bị giảm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng. Tình trạng dịch khảm lá mì lây lan mạnh như hiện nay, nông dân chỉ còn biện pháp tăng cường phân bón cho cây để cây mì ít bị ảnh hưởng về năng suất nhất. “Vụ sản xuất tới, chúng tôi buộc phải tính đến giải pháp sử dụng giống mì kháng bệnh dù năng suất và độ bột của giống này thấp hơn những giống nông dân đang chuộng” - ông Tân nói.

Trước tình trạng dịch khảm lá mì lây lan nhanh, ông Đặng Mạnh Cường, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Xuân Lộc cho biết, toàn huyện có trên 5 ngàn ha mì bị nhiễm dịch khảm lá, trong đó có 2,6 ngàn ha nhiễm từ 30-100% diện tích với 500-600ha nhiễm nặng.

* Khó xử lý dứt điểm

Dịch khảm lá xuất hiện khoảng chừng 3 năm trở lại đây. Những năm qua, từ Bộ NN-PTNT đến các địa phương đều tập trung phòng, chống dịch này. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp khó khăn như giống nhiễm bệnh cho năng suất và độ bột cao nên người dân vẫn tiếp tục sử dụng các giống nhiễm.

Đưa ra lý do khiến dịch khảm lá lây lan nhanh, ông Cường cho biết thêm, con bọ phấn trắng ký sinh trên nhiều cây rau màu, thậm chí trên cả cây cỏ nên rất khó diệt trừ. Nông dân có xịt thuốc nhưng sau một trận mưa lớn, thuốc bị rửa trôi là con bọ này tái phát mạnh. Ông Cường đưa ra giải pháp trước mắt: “Chúng tôi đang hướng dẫn nông dân tăng cường phân bón; tiêu hủy những điểm nhiễm bệnh quá nặng và chuyển sang giống mì kháng bệnh trong vụ tới”

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh cũng đưa ra cảnh báo, đến nay bệnh khảm lá chưa có thuốc đặc trị. Nếu nông dân không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng trừ triệt để, nguy cơ bệnh khảm lá mì sẽ còn lây lan trên diện rộng. Khó khăn hiện nay là chính sách hỗ trợ cho nông dân tiêu hủy diện tích mì bị dịch khảm lá rất thấp nên chưa khuyến khích nông dân thực hiện.

Theo ông Sinh, giải pháp trước mắt là người trồng mì nên thực hiện cách ly giữa vùng nhiễm bệnh và vùng chưa nhiễm bệnh bằng cách tiêu diệt con bọ phấn trắng không cho nó mang mầm bệnh lây lan qua các vùng khác. Ngay trong một vườn cây, nông dân cũng nên xử lý cục bộ bằng cách tiêu hủy những nơi cây mì nhiễm bệnh quá nặng, có nguy cơ cây mì thấp, lá rụng hết hạn chế bớt sự lây lan.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều